Tạo đồng thuận trong thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát

Lần đầu tiên tổ chức theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, phiên giải trình - giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên sáng qua, 30.10, về kết quả thực hiện kiến nghị tại nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV đã khẳng định quyết tâm đôn đốc, theo đến cùng kết luận, kiến nghị giám sát. Cùng với lựa chọn những vấn đề nóng hổi đông đảo đại biểu, cử tri quan tâm, phiên họp đã cho thấy điều hành linh hoạt của chủ tọa cũng như tinh thần trách nhiệm, cầu thị trước những vấn đề đặt ra nhằm tạo đồng thuận trong thực hiện.

Đôn đốc, theo đến cùng kết luận, kiến nghị giám sát

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công: thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức giám sát chuyên đề và phiên giải trình về kết quả thực hiện kiến nghị tại nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV.

Chuẩn bị cho Phiên giải trình - giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng báo cáo kết quả khảo sát bằng hình ảnh. Trước khi thực hiện phiên giải trình - giám sát, lãnh đạo tỉnh, các đại biểu đã được xem phóng sự về kết quả thực hiện một số kiến nghị tại nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV.

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn, ý kiến đề xuất của Đoàn giám sát và các đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên quyết định lựa chọn một số ý kiến yêu cầu giải trình tại phiên họp, tập trung vào 3 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực quản lý đất đai; văn hóa - xã hội và thực hiện các chính sách dân tộc. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công nhấn mạnh yêu cầu đại biểu HĐND tỉnh nêu ý kiến ngắn gọn, trọng tâm, đi thẳng vào nội dung yêu cầu, thời gian không quá 2 phút; người giải trình trả lời trực tiếp, đầy đủ, trọng tâm, không quá 5 phút đối với mỗi nội dung yêu cầu giải trình. Nội dung giải trình phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn giải quyết, khắc phục; không được ủy quyền cho người khác trả lời thay, trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng phải được sự đồng ý của Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu đề nghị giải trình.

Thẳng thắn yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề đặt ra

Có thể thấy, 3 nhóm vấn đề Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên lựa chọn để yêu cầu giải trình đều thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu và cử tri, nhất là nhóm ý kiến thuộc lĩnh vực quản lý đất đai. Về nội dung này, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp, yêu cầu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện đối với 22 kiến nghị, kết luận của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh qua giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo báo cáo, đã có 18 kiến nghị, kết luận được xác định là giải quyết xong và tiếp tục được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ chỉ đạo thường xuyên; 4 kiến nghị, kết luận đang triển khai thực hiện.

Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Đặng Văn Huy giải trình 5 nội dung về: danh sách cụ thể và giải pháp xử lý của 4 chủ đầu tư các dự án còn chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với số tiền khá lớn (51.107 triệu đồng); việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh - vấn đề phức tạp kéo dài trong nhiều năm đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh kiến nghị trong giám sát, yêu cầu giải trình qua nhiều phiên họp nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; hạn chế trong công tác đo đạc bản đồ địa chính; kết quả chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm còn có nhiều hạn chế; số đơn vị công lập tự chủ về tài chính đang được Nhà nước giao đất phải chuyển sang thuê đất.

Sau phần giải trình của "tư lệnh" ngành tài nguyên và môi trường, với tinh thần trách nhiệm, đại biểu đặt nhiều câu hỏi làm rõ hơn trách nhiệm của các ngành chức năng. Điển hình, đại biểu Nguyễn Trung Dũng, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng việc 4 đơn vị chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đến nay đã quá thời gian theo quy định để có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế; đề nghị Cục trưởng Cục Thuế cho biết ngành thuế đã thực hiện nội dung này thế nào, giải pháp cũng như lộ trình giải quyết. Đề nghị lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường làm rõ hơn trách nhiệm, giải pháp, phương án và lộ trình cụ thể khắc phục bất cập trong công tác đo đạc bản đồ địa chính, bởi thực tế giám sát cho thấy tỷ lệ sai số cá biệt có xã lên đến hơn 90% và không thể sử dụng được; số kinh phí ngân sách của cấp huyện trích ra để đo đạc và chỉnh lý bản đồ địa chính còn rất hạn hẹp khó có thể bảo đảm giải quyết sớm vấn đề này.

Dẫn thực tế hiện nay còn 8.198ha đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý sử dụng nhưng chưa hoàn thành phương án sử dụng đất, đây là nội dung đã được các cơ quan của HĐND tỉnh giám sát, giải trình, cử tri cũng nhiều lần phản ánh, kiến nghị, đại biểu Triệu Thị Nga, Ủy viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm tham mưu của ngành trong việc phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện, cũng như thẩm định xây dựng phương án sử dụng đất; xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, giải pháp lộ trình cụ thể trong thời gian tới để hoàn thiện phương án sử dụng đất đối với chính quyền cấp huyện…

Nhấn mạnh một số kiến nghị để giải quyết dứt điểm cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có UBND cấp huyện, Chủ tọa mời lãnh đạo UBND huyện Đồng Hỷ trao đổi cụ thể hơn về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc đo đạc bản đồ địa chính thiếu chính xác tại xã Nam Hòa; lãnh đạo UBND thành phố Phổ Yên trao đổi, làm rõ về những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của địa phương trong việc chậm xây dựng, hoàn thiện phương án sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn.

Quang cảnh phiên giải trình - giám sát

Tạo đồng thuận, thống nhất trong thực hiện

Tiếp thu, giải trình rõ hơn các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường nhấn mạnh thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra các giải pháp, xác định lộ trình khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, tồn tại nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đánh giá cao phiên giải trình - giám sát diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Từ kết quả khảo sát của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh đã nêu câu hỏi đề nghị giải trình, trao đổi, thảo luận làm rõ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng ngành, lĩnh vực phụ trách; đồng thời, phản ánh đúng với thực tế trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan và nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh, Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND một số huyện, thành phố đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực, nghiêm túc và cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu HĐND tỉnh, giải trình làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm cá nhân, cũng như của ngành, lĩnh vực phụ trách; đồng thời, có những trao đổi, trả lời để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện.

PHƯƠNG NGUYÊN - BÁCH HỢP

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/tao-dong-thuan-trong-thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-giam-sat-i348142/