Tạo đột phá nguồn nhân lực

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ chuyển đổi số. Số liệu này cho thấy thách thức lớn đang đặt ra đối với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Mặc dù nước ta vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với nguồn cung lao động được đảm bảo trên 51,6 triệu người nhưng nhiều chuyên gia quan ngại, lợi thế về nguồn lao động giá rẻ và dồi dào không bù đắp được chất lượng lao động chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn một cách tổng quát, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn mất cân đối xét trên nhiều khía cạnh. Cho dù chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam có sự cải thiện trong thời gian qua, nhưng kỹ năng của lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, xếp thứ 103 trên thế giới.

Các tổ chức quốc tế đánh giá, nguồn nhân lực của chúng ta hiện thừa về số lượng nhân công giá rẻ, nhưng lại thiếu lực lượng tay nghề chuyên môn cao. Thể hiện ở tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất và gia tăng nhanh chóng, trong khi nền kinh tế thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp. Việc phân bố nguồn lao động chất lượng cao, có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế.

Rõ ràng là trong thời gian qua, chúng ta chưa có giải pháp “đột phá” trong phát triển nguồn nhân lực. Điều này thể hiện tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên với tốc độ rất chậm từ 15,4% vào năm 2011 lên 24,1% vào năm 2020. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đang có xu hướng chững lại.

Đáng lo ngại là tỷ trọng dân số trên 65 tuổi sẽ tăng lên 14,4% vào năm 2035 và số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm tuyệt đối ngay sau năm 2035. Hệ quả của sự biến động dân số càng đặt ra yêu cầu cao hơn phải tăng cường đầu tư chiều sâu cho vốn con người và các nhân tố đẩy mạnh tăng trưởng năng suất khác nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Để thực hiện được các mục tiêu thoát khỏi nước có mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của nước ta phải liên tục duy trì ở mức 6,5-7%/năm trong hơn 20 năm tới. Tăng trưởng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với mục tiêu trên. Do vậy, hơn bao giờ hết, đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố quyết định chuyển hóa khát vọng phát triển của đất nước thành hiện thực.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh và mạnh mẽ, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo phát triển nguồn nhân lực với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù.

Trong đó, liên kết chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chính là phương thức giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các cơ sở đào tạo cần dịch chuyển quá trình đào tạo nghề từ tiếp cận nội dung sang đào tạo theo tiếp cận năng lực với định hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao. Doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị phối hợp, chịu trách nhiệm tham gia tổ chức, quản lý, phục vụ cho quá trình đào tạo, sử dụng sản phẩm đào tạo...

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-dot-pha-nguon-nhan-luc-post455808.html