Tạo đột phá từ phương thức lãnh đạo

Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhờ quan tâm và thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, các cấp ủy Đảng đã thể hiện rõ vai trò, vị trí. Thước đo chính là kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thời gian khó khăn vừa qua. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải cố gắng cao hơn nữa mới tạo bước đột phá trong phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức, ngày 17-6. Ảnh: Nhật Nam

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức, ngày 17-6. Ảnh: Nhật Nam

Nhiều dấu ấn

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, một trong 5 bài học kinh nghiệm được xác định là coi trọng đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Cụ thể tinh thần này, Thành ủy khóa XVII đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, trong đó chỉ rõ mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng...”.

Trên cơ sở đó, hơn 1 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành nghị quyết, chỉ ban hành nghị quyết mới có tính chuyên đề và khi thực sự cần thiết. Nổi bật là Thành ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và công nghiệp văn hóa; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy trình, thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050...

Tại các cấp ủy địa phương, đổi mới phương thức lãnh đạo cũng được coi là nhiệm vụ - giải pháp hàng đầu. Đơn cử, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) Lê Việt Hùng cho biết, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy phường kỳ này đặt trọng tâm là hướng về cơ sở. Thực tế, thời gian qua phường đã kịp thời giải quyết nhiều vướng mắc tại địa bàn dân cư như: Vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng, bảo đảm an ninh trật tự…

Ở cấp quận, theo Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam, hầu hết quy trình điều hành chung của Quận ủy, UBND quận, Đảng ủy, UBND phường và quy trình nội bộ của các phòng, ban, đơn vị được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo, Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã thích ứng kịp thời trước mọi hoàn cảnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vừa qua; không chỉ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh mà còn duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2021; tăng tốc ngay từ đầu năm 2022. Thành quả ấn tượng là 6 tháng đầu năm 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội ước tăng 7,79%, trong đó riêng quý II tăng tới 9,49%.

Lựa chọn trúng và đúng

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song nhiều quận, huyện, thị xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Phần lớn các huyện hiện nay vẫn chưa cân đối được thu, chi; chi ngân sách hằng năm phải trông chờ vào nguồn thành phố cấp. Ngay cả 5 huyện có đề án xây dựng lên quận (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) cũng chưa đạt tiêu chí cân đối thu, chi ngân sách. Trong khi đó, sức mạnh nội tại về kinh tế của các địa phương còn nhiều dư địa phát triển, là bài toán đặt ra đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc thời gian qua của một số cấp ủy còn chậm, hiệu quả chưa rõ nét. Một số cấp ủy nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo… Thực tế trên đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo mạnh mẽ, quyết tâm tạo bước đột phá cho địa phương phát triển.

Đối với cấp ủy Đảng, phương thức lãnh đạo chủ yếu là bằng nghị quyết, chỉ thị, vì thế, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải tập trung vào khâu này. Trong đó, mấu chốt là nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong xây dựng, ban hành các chủ trương, nghị quyết; bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng. Nói như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, mỗi quận, huyện, thị xã chỉ cần chọn đúng 1-2 vấn đề, tập trung lãnh đạo quyết liệt thì cơ hội phát triển bứt lên là có.

Muốn vậy, các cấp ủy Đảng phải triển khai đồng bộ các nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo; phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ khâu tham mưu đến triển khai, tổ chức thực hiện; khơi dậy khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển trong toàn Đảng bộ và trong nhân dân...

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Nhìn từ thực tiễn, ý nghĩa và tầm quan trọng của nội dung này lại càng đáng quan tâm hơn.

Quốc Bình

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nghi-quyet-doi-song/1035622/tao-dot-pha-tu-phuong-thuc-lanh-dao