Tạo đột phá về chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động

Đổi mới tư duy, thay đổi phương thức hoạt động theo hướng 'ở đâu có người lao động, ở đó có công đoàn' đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn Việt Nam trong những năm qua.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng những khó khăn, thách thức đan xen, tổ chức công đoàn tiếp tục triển khai những kế hoạch với mục tiêu tạo ra những đột phá về chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động…

Khẳng định trách nhiệm của tổ chức công đoàn

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu thăm, tặng quà động viên cán bộ, người lao động Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu thăm, tặng quà động viên cán bộ, người lao động Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, hướng dẫn người lao động chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; tích cực lao động, sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện có khó khăn thiếu thốn… góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước, tạo niềm tin cho người lao động, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, khẳng định vị thế và vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam.

Song song với việc tham gia vào công tác phòng, chống dịch, giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tổ chức công đoàn vẫn thực hiện tốt chức năng chính của mình là người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động với phương châm “tham mưu giỏi, phục vụ tốt”.

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, được nhân dân cả nước đánh giá cao. Kết quả đó, có một phần đóng góp quan trọng của tổ chức công đoàn cơ sở. Chủ tịch Công đoàn Viên chức thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: Trong công tác tham gia cải cách hành chính, các công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền vận động đoàn viên, công chức, viên chức tích cực tham gia cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính; chú trọng xây dựng tinh thần, thái độ thi hành công vụ của cán bộ. Qua đó đã giúp thành phố Đà Nẵng nhiều năm liền đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số ICT Index trong cả nước.

Có được những kết quả này, hiệu quả nhất là việc Công đoàn Viên chức và Sở Nội vụ thành phố đã ký kết Kế hoạch liên tịch phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2015 - 2020 và tổ chức Cuộc thi “Công chức, viên chức, người lao động thành phố Đà Nẵng với cải cách hành chính”.

“Đã có trên 3.000 người tham gia bài thi trắc nghiệm trực tuyến, 95 bài dự thi ý tưởng cải cách hành chính từ cuộc thi, có 11 bài thi xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung khảo xếp hạng. Từ những bài thi này, chúng tôi tiếp tục phối hợp lựa chọn các ý tưởng hay, có tính khả thi, ứng dụng trong thực tiễn để tham mưu thành phố đưa vào triển khai, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết.

Không chỉ Đà Nẵng, mà các cấp công đoàn ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động tham mưu với cấp ủy, chính quyền theo chỉ đạo chung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ở cấp Trung ương, thời gian qua, tổ chức công đoàn đã tích cực tham gia ý kiến với các bộ, ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến người lao động; phối hợp tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Các cấp công đoàn đã tổ chức góp ý nhiều dự thảo luật và văn bản dưới luật như: Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng; dự thảo Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Các cấp công đoàn tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại cơ sở; chủ trì 1.573 cuộc giám sát và tham gia 2.129 cuộc giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Hoạt động tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động được đẩy mạnh; tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật trực tuyến, hỗ trợ kịp thời người lao động đồng thời quan tâm thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động tại Tòa án theo quy định. Các cấp công đoàn thực hiện 64.937 cuộc tư vấn cho 182.467 lượt người lao động; hỗ trợ cho 1.356 người lao động giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án 476 vụ; đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án 99 cuộc.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động là một trong những lĩnh vực hoạt động của tổ chức công đoàn, có vai trò quan trọng trong việc phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên công đoàn, người lao động và tạo sự thống nhất hành động trong toàn hệ thống công đoàn. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền để thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổ chức quần chúng lao động hoạt động, gắn kết tự nguyện theo các nhu cầu chính đáng...

Từ những nhận thức chung về công tác tuyên truyền, vận động công đoàn, nhất là quan điểm mới của Hiến pháp năm 2013, công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn Việt Nam thời gian qua đã đúc kết được những giá trị góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh

Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu công nghiệp Lễ Môn, Thành phố Thanh Hóa), chiều 12/6/2021. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều định hướng hết sức quan trọng trong việc lãnh đạo tổ chức công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động trước yêu cầu mới của đất nước. Đáng chú ý, trong báo cáo chính trị lần này đã bổ sung các nội dung xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong báo cáo chính trị có nhắc tới những vấn đề như nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân để họ được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, tương xứng với đóng góp của họ trong tiến trình đổi mới đất nước.

Về tổ chức công đoàn, trong báo cáo chính trị cũng đặt ra việc xây dựng tổ chức công đoàn đổi mới tổ chức, hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, phù hợp với cơ cấu lao động để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay, thời gian tới, tổ chức công đoàn tiếp tục chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, không để xảy ra các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ông Khang nhấn mạnh, hiện nay đối với công nhân lao động, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa… là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền các địa phương cần hết sức quan tâm.

"Chúng ta cần từng bước xây dựng được những khu nhà ở tập trung cho công nhân, giảm thiểu những chi phí, gánh nặng cho công nhân lao động. Tổ chức công đoàn định hướng, hướng dẫn, tham gia xây dựng các thiết chế công đoàn, thiết chế văn hóa để đảm bảo cho công nhân được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Trong lần làm việc gần đây với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, thời gian tới, dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, triển khai các hoạt động phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, tổ chức công đoàn cần tạo những đột phá về chăm lo việc làm, đời sống người lao động; làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, nhất là các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động.

Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, việc phát triển đoàn viên là một trong những nhiệm vụ sống còn trong quá trình hội nhập cũng như thực hiện các cam kết quốc tế. Do đó, dù trong hoàn cảnh nào, công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất, hiệu quả nhất, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động...

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tao-dot-pha-ve-cham-lo-viec-lam-doi-song-cho-nguoi-lao-dong-20220204083244463.htm