Tạo dựng giá trị bền vững cho thực phẩm Quảng Ninh

An toàn thực phẩm (ATTP) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản trên thị trường. Chính vì vậy, thời gian qua Quảng Ninh đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm VSATTP, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm an toàn.

Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển, kêu gọi thu hút đầu tư các vùng sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, mô hình VietGAP, GMP, SSOP/HACCP... Đặc biệt, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ lấy là mô hình điểm nhân lên trong cả nước nhằm tăng lên giá trị sản phẩm và thu nhập của người lao động.

Trong lĩnh vực trồng trọt, UBND tỉnh đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào để đảm bảo ATTP, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản và kích thích sinh trưởng. Các cấp chính quyền đều tổ chức tuyên truyền và khuyến cáo niêm yết tại các nhà văn hóa thôn, bản, khu phố danh mục 76 loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn tỉnh (cả nước có 4.068 tên thương mại được phép sử dụng), 50 danh mục phân bón (cả nước có 7.000 tên thương mại được phép sử dụng). Sở NN&PTNT cũng đã tập trung hướng dẫn các hộ nông dân tuân thủ “4 đúng” về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản; phổ biến áp dụng 86 quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi...

Vùng trồng rau an toàn xã Tiền An, TX Quảng Yên được quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào để đảm bảo ATTP.

Toàn tỉnh cũng đảm bảo thu gom, xử lý đạt yêu cầu đối với trên 95% lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Hằng năm, các địa phương đều thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ kiểm tra... tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau, hoa quả cũng như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm...

Chị Nguyễn Thị Thơ, nông dân ở xóm Đình, xã Tiền An, TX Quảng Yên cho biết: Gia đình tôi đã được cán bộ xã nhắc nhở, tuyên truyền nhiều về lợi ích của việc sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn. Đồng thời, chúng tôi cũng nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe nên trong sản xuất rau đã hạn chế việc phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...

Hiện nay tỉnh đang duy trì hiệu quả 7 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với diện tích 29.746ha, tại các địa phương là Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Hải Hà, Đầm Hà, Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu, Vân Đồn. Năm 2018, toàn tỉnh tiếp tục phát triển và nhân rộng 5-6 mô hình trồng trọt đảm bảo ATTP; tiếp tục thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất giống và vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều, Đầm Hà, Vân Đồn; hoàn thiện dự án phát triển vùng trồng vải thiều, na Đông Triều và vải chín sớm Uông Bí theo hướng VietGAP; bảo tồn gen và phát triển giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y thường xuyên được duy trì. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã kiểm tra lăn dấu tại cơ sở giết mổ 465.524 con gia súc, gia cầm, thu phí trên 1,6 tỷ đồng. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được duy trì hiệu quả. 9 tháng năm 2018, các đơn vị chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm dịch gần 50.000 con gia súc, gia cầm các loại; 75.000kg sản phẩm động vật. Trạm Kiểm dịch động vật Hoành Mô đã giám sát 2.036 lô hàng động vật, sản phẩm động vật; Trạm Kiểm dịch Bắc Phong Sinh giám sát 1.370 lô hàng.

Song song với đó, Quảng Ninh duy trì và phát triển 10 chuỗi thực phẩm an toàn được xác nhận tại Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, bao gồm: Chả mực, gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn, rau (dưa chuột, mùng tơi, xà lách, rau cải ngọt, rau muống, hành lá...). Từ đầu năm tới nay, các đơn vị chức năng cũng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ 6 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn; hiện có 52 doanh nghiệp đang thực hiện kết nối tiêu thụ chuỗi thực phẩm an toàn. Đặc biệt, trong quý III/2018, chương trình OCOP đã có thêm 17 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với 33 sản phẩm thực phẩm an toàn. Nâng tổng số thành 139 sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn (7 sản phẩm đạt 5 sao, 59 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao).

Tỉnh cũng phát huy hiệu quả 36 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VSATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP), phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Trong đó có 26 cơ sở chế biến thực phẩm áp dụng quản lý chất lượng GMP, SSOP/HACCP và 10 cơ sở được chứng nhận áp dụng VietGAP (5 cơ sở trồng trọt, 1 cơ sở chăn nuôi, 4 cơ sở thủy sản).

Sở NN&PTNT hiện đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng công tác quản lý ATTP nông, lâm thủy sản tại các địa phương và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn. Từ đó tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả, tạo ra giá trị bền vững cho thực phẩm Quảng Ninh.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201810/tao-dung-gia-tri-ben-vung-cho-thuc-pham-quang-ninh-2406478/