Tạo dựng không gian văn hóa cho bộ đội Trường Sa

Mỗi khi nghe những lời ca da diết, ngọt ngào 'Canh giữ đêm ngày giữa biển khơi/ Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi…', chắc hẳn trong mỗi trái tim Việt đều dâng lên niềm tự hào sâu sắc về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vậy điều gì đã làm nên bản lĩnh, nhân cách văn hóa Bộ đội Trường Sa? Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quân đội nhân dân với Đại tá Đào Giang Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Quân chủng Hải quân) sẽ phần nào lý giải điều đó.

Đại tá Đào Giang Hải.

Phóng viên (PV): Ấn tượng nhất đối với tôi và nhiều người mỗi lần có dịp ra với Trường Sa là tình cảm đón tiếp nồng hậu, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các đảo, điểm đảo. Phải chăng đó là nét đẹp văn hóa của Bộ đội Trường Sa, thưa đồng chí?

Đại tá Đào Giang Hải: Đó là nhận định của những ai đã có dịp ra với Trường Sa. Để có được điều đó, những năm qua, chúng tôi thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ đơn vị rèn luyện nếp sống văn hóa ứng xử lành mạnh. Trong đó, chúng tôi tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa bộ đội với nhân dân, nhất là giáo dục bộ đội luôn thể hiện nếp sống văn minh, thân thiện, chu đáo khi tiếp xúc, làm việc, giao lưu với các đoàn cán bộ, nhân dân ở đất liền ra thăm quần đảo. Thông qua đó để xây dựng hình ảnh Bộ đội Trường Sa trong lòng nhân dân, xứng đáng với bề dày truyền thống 40 năm của Đoàn Trường Sa anh hùng (Lữ đoàn 146 thành lập ngày 8-5-1978).

PV: Cùng với bồi đắp văn hóa ứng xử cho bộ đội, lữ đoàn đã làm gì để nuôi dưỡng, xây dựng những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân Việt Nam?

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây A đọc sách tại phòng Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Hạnh.

Quân và dân trên đảo Trường Sa chung vui liên hoan văn nghệ. Ảnh: Văn Hạnh.

Đại tá Đào Giang Hải: Lữ đoàn đã quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu và nội dung Cuộc vận động "Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội", từ đó đề ra các biện pháp cụ thể để làm văn hóa thấm sâu vào mọi mặt hoạt động công tác của đơn vị, vào đời sống, sinh hoạt của bộ đội. Ví như trong xây dựng bản lĩnh chính trị, ngoài giáo dục lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nắm chắc nhiệm vụ chính trị, chúng tôi chú trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng - Đoàn kết chủ động - Khắc phục khó khăn - Giữ vững chủ quyền” của đơn vị. Cùng với đó là giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần nỗ lực vượt khó, chấp nhận chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển, đảo. Đơn vị cũng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua xây dựng, thực hiện hiệu quả các mô hình, như: “Mỗi tuần một sự kiện, mỗi tháng một điển hình”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Buổi học thanh niên - Thao trường quyết thắng”, “Đoàn viên thanh niên tự quản, tự rèn”... Trong 5 năm qua, mỗi năm đơn vị có từ 45 đến 50 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.

Từ tính chất, nhiệm vụ đặc thù của các đơn vị hoạt động độc lập, phân tán, xa đất liền, lữ đoàn luôn quan tâm xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong đơn vị. Phương châm “Đảo là nhà/ Biển cả là quê hương/ Cán bộ, chiến sĩ là anh em” được phát huy và trở thành động lực tinh thần, điểm tựa lòng tin để gắn kết tình cảm đồng chí, đồng đội. Mọi người chung niềm vui, cùng chia sẻ nỗi buồn, cùng gánh vác khó khăn, đồng cam cộng khổ, đồng tâm hiệp lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PV: Đa số cán bộ, chiến sĩ phải làm nhiệm vụ xa đất liền và hầu như quanh năm suốt tháng gắn bó với sóng gió biển khơi. Vậy, lữ đoàn đã làm gì để bộ đội vợi bớt nỗi nhớ nhà và thêm yêu mến đơn vị?

Đại tá Đào Giang Hải: Đúng là khi xa đất liền, bộ đội Trường Sa, nhất là những chiến sĩ trẻ lần đầu xa nhà không khỏi có những phút giây xao lòng. Nhưng tâm lý đó sẽ trôi qua nhanh bởi hiện nay, trên khắp các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa, bộ đội đều có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa bổ ích, lành mạnh. Được sự quan tâm đầu tư của cấp trên và sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân cả nước, đến nay, lữ đoàn đã có nhiều công trình văn hóa, như: 3 nhà truyền thống ở Lữ đoàn bộ, đảo Trường Sa, đảo Nam Yết; 2 phòng chiếu phim lịch sử 3D; 4 nhà văn hóa ở các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca; 9 công viên, vườn hoa cây cảnh ở các đảo nổi; 11 phòng Hồ Chí Minh được xây dựng ở 9 đảo nổi và 2 tiểu đoàn… Hệ thống thiết bị nghe, nhìn được trang bị hiện đại, đồng bộ với ti vi LCD từ 32 đến 55 inch; dàn karaoke kỹ thuật số, cassette, đầu thu tín hiệu truyền hình vệ tinh được trang bị đến cấp cụm chiến đấu, các điểm đảo chìm… Hằng năm, lữ đoàn đón từ 30 đến 40 đoàn đại biểu (khối đảo đón từ 15 đến 17 đoàn) đến thăm, giao lưu với bộ đội và đơn vị đã tổ chức từ 100 đến 120 lượt buổi hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ đậm tình quân-dân.

Những hoạt động đó không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trên các đảo, điểm đảo, mà còn là “sợi dây tình cảm” kết nối bộ đội với đơn vị bền chặt hơn và làm cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thêm vững chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NHẬT MINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn//van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tao-dung-khong-gian-van-hoa-cho-bo-doi-truong-sa-538239