Tạo dựng những thành phố sinh thái

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, con người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm của biến đổi khí hậu do chính mình gây ra. Một trong những thủ phạm là sự phát triển thái quá của các đô thị.

Những nguy cơ hiện hữu

Để đảm bảo được sự cân bằng sinh thái của thành phố là một quá trình phối hợp rất phức tạp của nhiều vấn đề. Các thành phố cần không phải chỉ có cây xanh, không khí trong lành mà còn nhiều yêu cầu khác như sự tiện nghi của các công trình, độ diễn cảm của công trình gây cho con người sự thoải mái…

Hiện tượng biến đổi khí hậu đang làm tăng những thiên tai ảnh hưởng đến sinh kế như lũ lụt, sóng nhiệt cũng như biến đổi dày hơn về nhiệt độ và lượng mưa. Đã có những chứng cứ về việc các cụm dân cư vùng thấp ven biển (như tại vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh) cũng phải đối mặt với nguy cơ bão nhiệt đới. Những khả năng này sẽ nguy hiểm hơn nữa khi kết hợp với triều cường và (hoặc) dòng chảy mạnh. Chỉ cần thêm 50 cm chiều cao nước triều cường với mực nước lụt khoảng 1,5 m - mà đã xảy ra ba lần tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2008 - sẽ có mực nước dâng lên đến +2.0 m. Điều này sẽ dẫn đến cơn lụt rộng 300 km2 tại TP. Hồ Chí Minh với 2 triệu cư dân bị ảnh hưởng.

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Nhìn chung, tiến trình đô thị hóa trong 2 thập kỷ qua đã đồng hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước. Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ.

Mất đi các thực thể nước và mảng xanh cũng như tăng môi trường xây dựng cũng gây ra các hậu quả trên khí hậu đô thị. Các đô thị Việt Nam đang chứng kiến sự tăng tiêu thụ năng lượng không cân xứng trong lối sống sử dụng nhiều nguồn tài nguyên hơn của người dân đô thị. Trong trường hợp của các đô thị trong thời kỳ quá độ như: TP. Hồ Chí Minh hay TP. Hà Nội, sự gia tăng này đã trở thành nguồn thải khí nhà kính lớn nhất trong phạm vi cả nước.

Hành động ngay từ hôm nay

Rõ ràng, nguy cơ bất lợi từ biến đổi khí hậu là tiềm tàng. Nếu có sự chuẩn bị thấu đáo, biết đâu, điều này sẽ tạo nên các đô thị mới bền vững và thích ứng hơn với những biến đổi khôn lường của thiên nhiên. Song, đáng tiếc, với các thách thức (và cả cơ hội) to lớn này, hệ thống hiện tại của quy hoạch, hướng dẫn và thực thi phát triển đô thị ở Việt Nam dường như chưa được chuẩn bị!

Đến nay, toàn quốc có 813 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5% và khả năng tăng nhanh trong tương lai gần đồng thời với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Trong nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã có những kiến nghị đối với đô thị phát triển bền vững, chẳng hạn như chỉ số xanh hóa đô thị phải đạt là 50%, thậm chí còn có đề xuất cao hơn.

Tuy vậy, đô thị Việt Nam đang phát triển cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Đô thị hóa nhanh mất kiểm soát về chức năng và mô hình kiến trúc đô thị, thiếu sự kiểm soát phát triển đồng bộ, thiếu hệ thống dịch vụ xã hội và kỹ thuật đô thị, môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu nước biển dâng, đang là những rủi ro tiềm ẩn.

Để hướng tới xây dựng những thành phố sinh thái, đô thị xanh, theo các chuyên gia, trước mắt, cần tăng cường áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, quản lý đô thị thích ứng và giảm thiểu rủi ro với biến đổi khí hậu; hệ thống hóa kiểm soát phát triển đô thị ven biển, khu kinh tế tập trung ven biển, đất, dân số và phân bố dân cư; nâng cao hạ tầng kỹ thuật và xã hội; bảo tồn môi trường sinh thái ven biển.

Tăng cường năng lực tư vấn và quản lý rủi ro thiên tai của biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hoạt động quản lý đô thị ven biển, các khu kinh tế tập trung ven biển; đóng góp mọi nỗ lực phát triển bền vững các đô thị Việt Nam và kết nối với toàn cầu.

Giảm thiểu những tác động rủi ro của tác động biến đổi khí hậu bằng sự hợp tác quốc tế và phối hợp với địa phương rà soát các đồ án quy hoạch vùng. Nghiên cứu và xây dựng chương trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm xác định những vùng ưu tiên ven biển để thí điểm áp dụng những kinh nghiệm quốc tế cho các giải pháp giảm thiếu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tương lai của thành phố dựa trên những hành động của chúng ta hôm nay, để thành phố phát triển bền vững cần phải kiểm soát phát triển phù hợp với điều kiện bản thân và hài hòa với khu vực lân cận, phát huy nội lực thành phố với việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tạo ra những bước chân sinh thái nhỏ nhất, giảm thiểu lượng ô nhiễm môi trường thấp nhất, sử dụng hiệu quả đất, thận trọng trong việc sử dụng vật liệu xây dựng, tái sử dụng vật liệu hoặc chuyển hóa chất thải thành năng lượng tái tạo.

Nhưng để đạt được điều này, mong muốn từ phòng họp, từ các bản đề án cần phải được hiện thực hóa.

Bộ Xây dựng cho biết, các cơ quan chuyên môn của Bộ đang nghiên cứu điều chỉnh Chiến lược Phát triển đô thị quốc gia, xây dựng Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020 - 2030, Kế hoạch Phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam. Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, Bộ đang triển khai Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó tập trung nghiên cứu: Lồng ghép những nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các văn bản dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới; xây dựng khung hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị và hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho đô thị; điều chỉnh định hướng quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2025 có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; rà soát quy hoạch chung các đô thị thuộc Vùng Duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị... Hướng dẫn một số nội dung về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về phát triển đô thị theo hướng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/tao-dung-nhung-thanh-pho-sinh-thai-1257877.html