Tạo hành lang pháp lý cho di sản tư liệu

Di sản tư liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật, phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam song chưa có quy định điều chỉnh loại di sản này

Di sản tư liệu của Việt Nam nằm rải rác ở các địa phương, gia đình, dòng họ... và đa dạng về loại hình.

Khoảng trống pháp lý

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Khắc chữ Hán và chữ Nôm với kỹ thuật khắc ngược dùng để in thành sách trong khoảng thế kỷ XVI đến XIX, mộc bản này được các nhà khoa học đánh giá là bảo đảm tính toàn vẹn, nguyên gốc, độc bản và là di sản đặc sắc.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương Ảnh: THẾ DƯƠNG

Năm 2017, từ nguồn lực địa phương và xã hội hóa, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với kinh phí gần 30 tỉ đồng. Từ đó đến nay, không có thêm nguồn kinh phí nào dành cho mục đích bảo vệ di sản bởi mộc bản không được điều chỉnh trong nội dung nào của Luật Di sản.

Với bề dày gần 1.000 năm lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, đã đào tạo nhiều bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Nơi đây có 82 bia tiến sĩ ghi tên các vị đỗ đại khoa của 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Từ năm 2011, 82 bia tiến sĩ đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới nhưng các văn bản luật hiện hành của Việt Nam không quy định đây là loại hình di sản gì. Như vậy, có một khoảng trống pháp lý để có thể nhận diện và định danh di sản, từ đó gây ra những bất cập trong việc quản lý.

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là những bản tư liệu gốc duy nhất ghi danh 82 vị đỗ đại khoa tại 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780 Ảnh: HỮU HƯNG

Bà Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng di sản tư liệu có ý nghĩa quan trọng và giá trị đặc biệt vì nó lưu giữ ký ức của dân tộc. Chính việc thiếu quy định cụ thể trong Luật Di sản văn hóa nên những giá trị của di sản tư liệu chưa được hình dung một cách đầy đủ. "Luật hiện hành chưa có quy định về di sản tư liệu là một mảng khuyết rất đáng kể" - bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Khó bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Trong tờ trình Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho hay nhiều quốc gia quy định di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...

UNESCO khởi xướng Chương trình Ký ức Thế giới từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu, Việt Nam tham gia từ năm 2007. Suốt 15 năm là quốc gia thành viên của chương trình với 9 di sản tư liệu được chương trình này ghi danh, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy di sản. Trong khi đó, di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh với xu hướng ngày càng gia tăng.

Thực tế, di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình, dòng họ... đa dạng về loại hình, giàu giá trị thông tin về tài liệu. Trong đó, không ít di sản có nguy cơ bị mai một, biến mất. Vì vậy, việc quy định loại hình di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết. Các quy định bao gồm: khái niệm loại hình, thuật ngữ; tiêu chí nhận diện; hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh; biện pháp tiếp nhận, quản lý; trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh; thẩm quyền thẩm định dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản; quy định về bản sao.

Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Giang, việc chưa có quy định về di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa đã gây nhiều khó khăn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Vì vậy, bổ sung nội dung về di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là hết sức cần thiết để cộng đồng, các cơ quan, đơn vị có cách thức nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ban soạn thảo đưa vào một chương mới với tên "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu", bao gồm các nội dung: Phân loại di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia và UNESCO; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa Di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi Danh mục quốc gia và Danh mục di sản tư liệu của UNESCO; Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước; Quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu... Theo Bộ VH-TT-DL, chương mới này bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ VH-TT-DL, cho hay vấn đề hiện cần xem xét là sự giao thoa, chồng lấn giữa Luật Di sản văn hóa với dự thảo Luật Lưu trữ. Một đối tượng trong dự thảo Luật Lưu trữ là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt cũng giao thoa với nhóm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ thống nhất tiêu chí để bảo đảm phân định rõ ràng.

Xem xét mô hình bảo tàng tư nhân

Trong Luật Di sản văn hóa hiện hành, quy định về mô hình bảo tàng ngoài công lập tồn tại không ít bất cập. Xu hướng bảo tàng ngoài công lập đang ngày càng phát triển nhưng những năm qua, có không ít bảo tàng tư nhân được mở ra với vốn đầu tư lớn rồi phải dẹp bỏ.

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo Độc bản Việt Nam, cho hay hiện chưa có luật định rõ ràng để thành lập bảo tàng tư nhân. Nhiều gia đình sưu tập được rất nhiều đồ, hiện vật để trưng bày nhưng chỉ mang tính chất phòng trưng bày.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cần hành lang pháp lý phù hợp hơn để tạo điều kiện cho các bảo tàng không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, nghiên cứu, phát huy giá trị của các bộ sưu tập, hiện vật mà còn đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước.

Nguy cơ mất di sản quý giá

TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nêu quan điểm nếu không kịp điều chỉnh luật để bảo vệ di sản tư liệu, chúng ta có thể mất đi một khối lượng di sản vô cùng quý giá của dân tộc. Bởi di sản tư liệu không chỉ nằm trong các trung tâm lưu trữ, các đình, chùa mà còn rải rác ở nhiều nơi với nhiều loại hình khác như như trên đá, trên giấy...

Đồng quan điểm, TS Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản Văn hóa - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cho rằng đưa loại hình di sản tư liệu vào Luật Di sản sửa đổi có giá trị rất quan trọng. Qua đó, có cơ sở pháp lý để tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản tư liệu. Đồng thời, có thể đưa ra tiêu chí nhận diện, phân loại, kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu và phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu.

TRÀ THU - YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-cho-di-san-tu-lieu-196240328221910433.htm