Tạo hành lang pháp lý để dịch vụ taxi cạnh tranh lành mạnh

Ngày 13-7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) một lần nữa lại tổ chức họp góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan, đến nay dự thảo này vẫn chưa đi đến hồi kết để trình Chính phủ ban hành. Bởi ngoài vấn đề quản lý xe hợp đồng, thì vấn đề taxi công nghệ cũng khiến cơ quan chức năng “bối rối”.

Lãnh đạo Bộ thừa nhận quản lý Grab còn lỏng lẻo

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, thời gian gần đây xuất hiện một số loại hình vận tải sử dụng công nghệ cao kết nối lái xe với hành khách. Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 24 về Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ gọi xe. Tuy nhiên, qua thời gian vận hành, các loại hình vận tải ngày càng phức tạp.

“Ranh giới giữa taxi và vận tải hợp đồng, xe taxi công nghệ rất mong manh, đây là vấn đề hết sức bức xúc và Nghị định 86 có sự điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật, có các chế tài giải pháp quản lý được xe dù bến cóc, xe trá hình”, người đứng đầu ngành giao thông cho hay.

Khẳng định mong muốn loại hình taxi công nghệ như Grab với taxi truyền thống cần có sự hòa hợp và trong điều kiện hiện nay, Bộ trưởng Thể cho rằng, taxi truyền thống sử dụng thêm ứng dụng như Grab thì trở thành hãng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đảm bảo uy tín chất lượng.

Bày tỏ sự lo ngại khi thời gian qua Grab vẫn còn quản lý lỏng lẻo, hoạt động tại Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, theo Bộ trưởng, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của doanh nghiệp dùng ứng dụng gọi xe với hành khách như thế nào? Phải có sự ràng buộc để doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ có trách nhiệm với lái xe, quản lý được lái xe. “Nếu đưa các điều kiện này vào Nghị định 86 rõ ràng mới quản lý được taxi công nghệ hoạt động hiệu quả,” vị Tư lệnh ngành giao thông nói.

Trước ý kiến của Bộ trưởng, đại diện các Hiệp hội taxi tỉnh, thành cũng bày tỏ sự thống nhất khi nhìn nhận, xe dưới 9 chỗ đa phần là taxi và chịu sự quản lý giống như taxi.

Theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, thực tế có hàng nghìn xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm kết nối nhưng không có nhận diện thương hiệu so với taxi truyền thống, chính điều này gây ra sự bất bình của doanh nghiệp taxi. Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm đều quy định là xe taxi và chịu chung quy định quản lý.

Ngoài ra, Công ty Công nghệ kinh doanh vận tải phải có đặt máy chủ tại Việt Nam, dữ liệu có sự kết nối chịu sự giám sát của Bộ GTVT và Sở GTVT tương tự như hộp đen. “Xe taxi công nghệ phải gắn mào tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật đồng thời đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Grab dừng hoạt động tại các địa phương chưa được phép thí điểm,” vị đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, taxi truyền thống sử dụng thêm ứng dụng như Grab thì sẽ đảm bảo uy tín chất lượng.

Sớm trình dự thảo để Chính phủ phê duyệt, ban hành

Đánh giá cao ứng dụng thí điểm và sự phát triển công nghệ nảy sinh mô hình mới và áp đặt theo mô hình cũ là không phù hợp, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Thương mai điện tử Việt Nam, cơ quan Nhà nước không nên “gò ép” mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm, hạn chế mà có cách nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình kinh doanh cũ.

Bổ sung thêm, đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, theo dự thảo hiện nay, doanh nghiệp công nghệ giống như taxi truyền thống cần phải xem xét lại sẽ triệt tiêu sáng tạo. Nên chăng, Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống do có quá nhiều điều kiện bó buộc, những rào cản về điều kiện kinh doanh khiến họ “chùn bước” và không tham gia vào kinh doanh vận tải. “Không nên gò bó ý tưởng mới mà nên cởi trói những điều kiện kinh doanh cũ” ,đại diện CIEM gợi ý.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, qua kinh nghiệm một số nước như Singapore không quản ứng dụng gọi xe Uber, Grab và vẫn tạo điều kiện taxi truyền thống nhưng có sự hỗ trợ về điều kiện kinh doanh đối với loại hình taxi truyền thống.

“Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải gồm xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe du lịch nhưng về bản chất vẫn là vận tải hành khách. Tại Việt Nam, chỉ có xe buýt là được trợ giá do vận tải hành khách công cộng, có điều kiện kinh doanh cụ thể cho loại hình này. Còn các loại hình khác để cụ thể hóa ranh giới là điều cực kỳ khó khăn. Vì thế, Bộ GTVT đề nghị năm 2009 sửa Luật Giao thông Đường bộ từ đó có các quy định và chính sách sẽ rõ ràng,” Thứ trưởng Thọ nói.

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 7 này, Bộ sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến ban hành Nghị định 86. Khi ban hành Nghị định 86 sẽ kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.

“Mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống bản chất là như nhau. Các điều kiện cũng phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng. Taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải,” Bộ trưởng Thể nhìn nhận.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/tao-hanh-lang-phap-ly-de-dich-vu-taxi-canh-tranh-lanh-manh-501308/