Tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt tốc độ cao

Dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc Nam hiện là một trong những dự án đầu tư chiến lược với mục tiêu phát triển lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi với các hình thức đầu tư đang được nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành đường sắt Việt Nam nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng là cần thiết.

Thiếu cơ chế rút ngắn thời gian xây dựng đường sắt tốc độ cao

Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam tại Hội thảo tổng kết dự án những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi), hệ thống đường sắt Việt Nam đang được phân loại gồm: đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng. Mạng lưới đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh/thành phố, gồm 7 tuyến chính. Sau hơn 5 năm thi hành, Luật Đường sắt năm 2017 đã phát huy hiệu quả, xác định rõ vai trò của Nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt; cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phát triển công nghiệp đường sắt; trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động bảo đảm trật tự an tưoàn, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng…

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai đã phát sinh nhiều bất cập như huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế; phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác tài sản gặp nhiều khó khăn; chưa có quy định ràng buộc về kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác, kết nối các khu đầu mối hàng hóa. Chưa có quy định ràng buộc về chuyển giao công nghệ, cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt; thiếu cơ chế rút ngắn thời gian xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao...

Trong khi đó, đường sắt là phương thức vận tải có ưu thế về khối lượng lớn, an toàn và thân thiện môi trường; tuy nhiên thời gian qua, việc ưu tiên phát triển đường sắt chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng lạc hậu, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, một số quy định về giao thông vận tải đường sắt chưa đồng bộ dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, nhất là các cơ chế, chính sách đột phá cho phát triển đường sắt. Do vậy, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo ra không gian mới, động lực mới phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng

Với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định tại Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 28.2.2023. Trong đó: hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam năm 2025; khởi công các đoạn ưu tiên (Hà Nội - Vinh; thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang) 2026 - 2030; hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045...

Tại hội thảo tổng kết dự án những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi) được tổ chức mới đây, các chuyên gia dự án, đại diện các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực đường sắt đã có nhiều ý kiến góp ý rất sâu sắc để xem xét bổ sung trong quá trình xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, dự án sẽ hỗ trợ về các nội dung: tích cực sử dụng các thông lệ quốc tế tốt để soạn thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); nâng cao năng lực xây dựng thể chế, quy định pháp luật; chủ động định hướng, thiết lập các mốc chuyển dịch sang năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt. Đồng thời, kết quả của dự án là cơ sở khoa học, kinh nghiệm để Cục Đường sắt Việt Nam - cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nghiên cứu chuyển tải thành các quy định trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Chuyên gia tư vấn dự án Nguyễn Đạt Tường (Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam) cũng cho biết, qua khảo sát và nghiên cứu thực trạng ở Việt Nam cũng như các thông lệ quốc tế, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với chính sách về đường sắt tốc độ cao. Trong đó, khuyến nghị dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cần làm rõ vai trò của Nhà nước trong bố trí vốn đầu tư cho đường sắt tốc độ cao; chủ thể và vai trò của các chủ thể trong quản lý đường sắt tốc độ cao cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt.

Với vai trò là cố vấn cao cấp của dự án,nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: giai đoạn trước mắt, để tạo hành lang pháp lý đối với ngành đường sắt thì vẫn phải điều chỉnh, sửa đổi Luật Đường sắt năm 2017 với rất nhiều nội dung cần đưa ra xem xét. Ví dụ như: an toàn đường sắt; huy động nguồn lực cho phát triển đường sắt tốc độ cao; đường sắt đô thị… hết sức cần thiết cho Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải nghiên cứu như các nước trên thế giới, điển hình như Hàn Quốc có hệ thống tương đối phù hợp với Việt Nam. Đối với việc đầu tư đường sắt tốc độ cao thì vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng, đây là loại hình cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay cần ghi rõ trong luật.

Ông Richard Bullock, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực đường sắt cho biết, với mục tiêu vận tải hành khách, đường sắt đô thị trên thế giới hầu như không tạo ra lợi nhuận, bởi chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì rất lớn, hầu hết đều từ nguồn ngân sách Nhà nước, hoặc được Nhà nước trợ giá lớn. Theo ông Richard Bullock, Việt Nam nên điều chỉnh, bổ sung quy định trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) về đầu tư đường sắt đô thị bao gồm: quy định về vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương trong đầu tư đường sắt đô thị; quy định về hỗ trợ của ngân sách trung ương cho đầu tư đường sắt đô thị bao gồm mức hỗ trợ tối đa. Đồng thời cần rà soát các quy định hiện hành về đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ trong triển khai cơ chế khuyến khích phát triển đường sắt.

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-thong/tao-hanh-lang-phap-ly-phat-trien-duong-sat-toc-do-cao-i372007/