Tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động đầu tư mạo hiểm

Cần sớm hình thành môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.

1,5 tỷ USD là số vốn cam kết đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam của 39 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023 - 2035, được công bố tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, diễn ra sáng 19/12. Đơn vị tổ chức là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures cũng dự báo, tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm tới sẽ lên đến 5 tỷ USD.

Các con số này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam được xem là trụ cột thứ ba của “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á”, gồm Singapore, Indonesia, Việt Nam.

Theo Golden Gate Ventures, Việt Nam đã và đang tham gia “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” bằng cách mang tới một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong năm nay và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong 9 tháng của năm 2022, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam giảm nhẹ so với năm kỷ lục 2021, nhưng vẫn duy trì ở mức trước Covid-19.

Tổng số vốn đầu tư đã giảm 17,9% với tổng giá trị là 494,208 triệu USD so với 602,25 triệu USD của năm 2021, đồng thời số thương vụ đầu tư trong khoảng thời gian này là 94 thương vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù giảm về số vốn và số lượng các thương vụ, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực có thể kể đến như số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021, hay trong riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp…

Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho cách mạng công nghiệp 4.0 được quốc tế đánh giá cao.

Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.

Tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cũng đã định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp công nghệ.

Để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, để hỗ trợ nhanh chóng các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tao-hanh-lang-thuan-loi-cho-hoat-dong-dau-tu-mao-hiem-d180643.html