Tảo hôn - những câu chuyện buồn nhưng chưa cũ

Lấy vợ lấy chồng sớm để có người làm, có thêm của. Đây là những tập tục lạc hậu, suy nghĩ cũ kỹ đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và Pa Cô ở Quảng Trị. Chính vì vậy, tảo hôn không chỉ diễn ra trong quá khứ mà vẫn đang hiện hữu và trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều thôn bản ở các huyện Đakrông và Hướng Hóa của Quảng Trị.

Những câu chuyện buồn như thế này tưởng chỉ diễn ra trong quá khứ! Nhưng không, nó vẫn đang diễn ra tại nhiều thôn bản ở Quảng Trị.

Đây là thôn Thanh 1, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2018 thôn này được chọn làm mô hình điểm toàn quốc về việc xây dựng làng không tảo hôn. Tiếc là, trẻ em 15-16 tuổi ở đây vẫn lấy nhau.

Mới sinh năm 2006, nhưng Hồ Văn Mực đã kết hôn được gần 1 năm và vừa lên chức bố ở tuổi 17.

Nhiều năm qua, Quảng Trị đã quyết liệt triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I từ 2016 - 2021 và giai đoạn II từ 2021 - 2025” trên địa bàn. Có những năm số lượng các cặp tảo hôn đặc biệt là hôn nhân cận huyết đã giảm đáng kể. Thế nhưng, cuối năm 2020, đầu năm 2021, dịch bệnh Covid 19 bùng phát, số lượng các cặp tảo hôn lại tăng đột biến.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - cuối 2021, Quảng Trị có 894 trường hợp tảo hôn, trong đó có 9 trường hợp hôn nhân cận huyết. Tại huyện Hướng Hóa chỉ tính riêng năm 2021 có tới 122 cặp tảo hôn (trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 30,27% so với tổng số cặp kết hôn.

Lấy vợ, lấy chồng để có người làm để có thêm của? Nếu những tập tục lạc hậu này cứ ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của người dân nơi đây, không biết đến bao giờ vòng luẩn quẩn: tảo hôn- thất học và…….nghèo đói mới dừng lại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Kim Thanh - Võ Linh - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tao-hon-nhung-cau-chuyen-buon-nhung-chua-cu