Tảo hôn ở Hang Kia (Hòa Bình): Tuổi 14 đưa 'vợ' về ra mắt gia đình

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình), mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc, nhiều biện pháp đưa ra những vấn nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ở xóm Thung Mài (xã Hang Kia), vợ chồng Sùng A C. và Giàng Y S. là cặp vợ chồng trẻ nhất khi năm nay cả 2 mới chỉ có 13 tuổi. C. và S. quen biết nhau trên mạng xã hội rồi khi "ướm thử" thấy S. cũng dành tình cảm cho mình nên C. đưa bạn gái về để ra mắt bố mẹ.

Những thiếu niên quen nhau rồi về nhà đòi cưới

Xã Hang Kia nằm ở phía Tây Bắc của huyện Mai Châu (Hòa Bình), cách trung tâm huyện lỵ khoảng 40 km. Nằm thọt thỏm giữa bốn bề núi đá, quanh năm mây mù bao phủ, vấn nạn ma túy từng hoành hành. Những năm gần đây, sự vào cuộc của các cấp ngành, nạn ma túy bị đẩy lùi, những câu chuyện buồn liên quan đến ma túy ở Hang Kia đã giảm rất nhiều.

Thế nhưng ở Hang Kia, vẫn còn một vấn đề xã hội là tình trạng tảo hôn. Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc, nhiều biện pháp đưa ra nhưng vấn nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đưa cho tôi tờ danh sách số liệu tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã, bà Giàng Y Dua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Kia, cho biết: Sau nhiều năm vào cuộc, xã cơ bản mới giải quyết được tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Còn tảo hôn, năm nào cũng xảy ra. Các cấp ngành đã vào cuộc nhiều, xử phạt cũng có mà tuyên truyền vận động cũng có nhưng chưa giải quyết triệt để được.

Trong danh sách cập nhật những cặp đôi tảo hôn ở xã Hang Kia từ đầu năm 2023 đến ngày 15/6/2023 mà bà Dua cung cấp cho chúng tôi có tổng cộng 22 cặp (tương đương với 44 trường hợp) tảo hôn. Đáng chú ý, có những cặp đôi mà cả vợ và chồng đều mới chỉ có 13 tuổi (nam thiếu 7 tuổi, nữ thiếu 5 tuổi so với quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình). Những trường hợp tảo hôn này chủ yếu tập trung ở những thôn bản xa xôi của xã như: Thung Mặn, Thung Mài, Thung Ằng hay Hang Kia.

Ngôi nhà nơi nhiều thế hệ trong gia đình ông Lềnh đang sinh sống.

Men theo con đường ngoằn ngoèo với độ dốc khiến nhiều người phải e dè, chúng tôi tìm đến xóm Thung Ằng. Thông qua hướng dẫn của ông Khạ A Hờ (người có uy tín ở xóm Thung Ằng), chúng tôi đến được nhà của gia đình Khà A P. và Vàng Y K. Đây là cặp vợ chồng trẻ tuổi nhất ở xóm Thung Ằng khi mà thời điểm kết hôn, P. mới tròn 14 tuổi, K. đang tuổi 13.

Thời điểm tôi tìm đến, đôi vợ chồng trẻ đều đang đi làm nương và người duy nhất có thể giao tiếp bằng tiếng Kinh ở nhà là ông Khà A Lềnh (80 tuổi, ông nội của P.). Ông Lềnh cho biết, khoảng chục năm trở lại đây, người Mông ở Hang Kia được cán bộ tuyên truyền, mỗi cặp vợ chồng chỉ đẻ 2 con để tập chung nuôi dạy chúng cho tốt. Con trai ông là Khà A Chư cũng chỉ sinh đúng 2 con. Trong 2 con của A Chư thì P. là con cả.

Người Mông thích quần tụ, sinh sống cùng nhau dưới cùng một mái nhà để cùng gánh vác, lo toan công việc nên đến giờ, ông Lềnh vẫn sống cùng con trai và cháu nội. Vào một đêm khoảng đầu tháng 10/2023, ông Lềnh cùng các thành viên trong gia đình tá hỏa khi thấy đứa cháu nội A P. mới 14 tuổi dẫn theo cô bé Vàng Y K. (13 tuổi, trú tại xóm Hang Kia) về nhà. P. tuyên bố dõng dạc về việc lấy K. và hôm nay đưa "vợ" về để ra mắt gia đình.

Theo lời ông Lềnh, với phong tục người Mông, người con trai dẫn con gái nhà người khác về nhà mình theo cách như vậy được xem mặc định đó là dâu con trong nhà rồi. "Khi ấy, đứa con gái bị ma nhà tôi nhận rồi nên không thể trở về nhà bên kia (nhà bố mẹ đẻ của cô gái)", ông Lềnh cắt nghĩa.

Có phải là tục cúng trình ma ông không? Đáp lại câu hỏi của tôi, ông Lềnh gật đầu, luôn miệng đáp "đúng, đúng" rồi giải thích thêm: "Thằng cháu tôi hôm ấy nó đã đưa bạn gái về. Nếu gia đình tôi mà không cưới thì sẽ bị nhà đứa con gái kia phạt tiền. Số tiền ấy sẽ được họ dùng để dựng nhà và cho đứa con gái kia ra ở riêng. Phong tục của đồng bào Mông nơi đây của chúng tôi là thế. Vậy nên, vì nghèo quá, không có tiền nên nhà tôi mới đồng ý để cho chúng nó lấy nhau".

Tảo hôn vẫn diễn biến phức tạp

Ở xóm Thung Mài, vợ chồng Sùng A C. và Giàng Y S. là cặp vợ chồng trẻ nhất khi năm nay cả 2 mới chừng 13 tuổi. C. và S. quen biết nhau trên mạng xã hội rồi khi ướm thử thấy S. cũng dành tình cảm cho mình nên C. đưa bạn gái về để ra mắt bố mẹ. Theo tục của người Mông, khi thấy con trai đưa bạn gái về, vợ chồng ông Sùng A Tráng đành phải gật đầu đồng ý mặc dù vẫn đau đáu nỗi lo mai này con trai và con dâu sẽ lấy gì mà ăn.

Tại xóm Hang Kia, hộ vợ chồng Vàng Thị D. (20 tuổi) là gia đình thuộc diện khó khăn nhất xóm. Mặc dù tuổi đời còn khá nhỏ nhưng D. Đã là mẹ của 2 đứa con. 6 năm trước, khi tuổi vừa tròn 14, trong một lần đi chơi hội xuân, D. và người chồng hiện tại quen rồi thích nhau, thế là họ nên vợ chồng. Không học hành, không công việc, không nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống của người mẹ trẻ cùng với 2 đứa con thật sự là một điều đáng báo động.

Ông Khà A Lềnh chia sẻ về việc tảo hôn của cháu trai.

Những người trong độ tuổi từ 33 - 35 nhưng đã có con dâu, con rể ở xã Hang Kia không phải là chuyện hiếm gặp. Cá biệt có người sinh năm 1991, 1992 nhưng hiện đã có cháu nội, cháu ngoại, như chị P. Y. V. ở xóm Thung Mài; M.Y.S. ở xóm Hang Kia. Vì sớm phải cáng đáng gánh nặng cuộc sống nên nam, nữ tảo hôn thường già trước tuổi so với bạn bè đồng trang lứa.

Đến các thôn, bản của xã Hang Kia, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề khẩu tuyên truyền phòng chống tảo hôn như: "quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" hay "nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống"... Thế nhưng, theo bà Giàng Y Dua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Kia, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã vài năm trở lại đây trở nên phức tạp.

Thực tế, tình trạng tảo hôn ở Hang Kia phức tạp có thể nhìn thấy rõ qua các số liệu thống kê hàng năm. Nếu như trong năm 2021, trên địa bàn xã ghi nhận 27 trường hợp tảo hôn; năm 2022 ghi nhận 25 trường hợp tảo hôn thì chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, xã đã có đến 22 cặp (tương đương 44 trường hợp) tảo hôn.

(Còn nữa)

Tuấn Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tao-hon-o-hang-kia-hoa-binh-tuoi-14-dua-vo-ve-ra-mat-gia-dinh-20231215132532349.htm