Tạo khung pháp lý chung, nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự

Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố nhằm bảo vệ cao nhất tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức thẩm định dự án Luật Phòng thủ dân sự, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.

Tạo khung pháp lý chung

Theo dự thảo Luật, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế quốc dân, môi trường, bảo vệ các giá trị vật chất và văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2022, bao gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; Đổi mới tổ chức của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; Quy định về tình trạng khẩn cấp trong Phòng thủ dân sự.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biêu tại phiên họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biêu tại phiên họp.

Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố nhằm bảo vệ cao nhất tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định về phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố ở một số lĩnh vực, dự án Luật Phòng thủ dân sự không thay thế các Luật hiện hành mà sẽ bổ khuyết vào những khoảng trống pháp luật. Theo đó, Luật sẽ quy định cụ thể về các biện pháp giảm nhẹ, khắc phục thảm họa do chiến tranh gây ra và bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.

Từ đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống thảm họa do thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; bảo vệ cho người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường…; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Đồng thời, nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố, thảm họa gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Theo đại diện Bộ Quốc phòng, quy định tại Điều 10 dự thảo Luật thì việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa, sự cố được thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.

Trường hợp luật khác có quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố mà không trái với quy định tại Điều 3 của Luật này thì được thực hiện theo quy định của luật đó. Trường hợp luật khác không có quy định thì áp dụng quy định của Luật này.

Việc xây dựng luật nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống thảm họa do thiên tai. (ảnh: VGP)

Như vậy, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ không thay thế các Luật hiện hành mà sẽ bổ khuyết vào những khoảng trống pháp luật. Trường hợp pháp luật đã có quy định về phòng, chống, khắc phục các loại thảm họa, sự cố cụ thể (như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Phòng cháy, chữa cháy…) thì áp dụng quy định của pháp luật đó. Trường hợp pháp luật không có quy định cụ thể thì áp dụng các nguyên tắc, biện pháp được quy định tại Luật Phòng thủ dân sự.

Với nguyên tắc áp dụng pháp luật như trên, các quy định của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự không chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Quốc phòng đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ cũng đã nghiên cứu, rà soát các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt, đã nghiên cứu quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các Công ước khác về quyền con người mà Việt Nam tham gia để phù hợp với quy định việc quyền không bị giới hạn và những quyền có thể bị giới hạn trong tình trạng khẩn cấp, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế nêu trên.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, xem xét cho ý kiến về sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật.

Đồng thời, rà soát lại 6 chính sách được nêu trong Tờ trình; rà soát kỹ 83 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo không quy định lại các nội dung đã quy định trong luật khác để tránh trùng dẫm, chồng chéo. Đối với quy định chuyển tiếp, cần phải chi tiết, cụ thể hơn để áp dụng thuận tiện, dễ dàng.

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-khung-phap-ly-chung-nang-cao-nang-luc-ve-phong-thu-dan-su-142882.html