Tạo liên kết phát triển giữa Khu công nghiệp Quảng Trị với Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan

Khu công nghiệp Quảng Trị là liên doanh của 3 nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam gồm Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Dự án có tổng diện tích 481,2 ha, nằm trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao biên bản ghi nhớ cho nhà đầu tư thứ cấp - Ảnh: HÀ TRANG

Khu công nghiệp Quảng Trị được khởi công vào ngày 15/12/2023, hiện đang phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích, dự kiến cuối năm 2024 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp để xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Khu công nghiệp Quảng Trị được đầu tư hạ tầng, tiện ích đồng bộ, hiện đại, cảnh quan đẹp, tỉ lệ mảng xanh cao, hệ thống đường giao thông thiết kế hiện đại. Khu công nghiệp Quảng Trị ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như dệt may, dày gia, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống, các ngành công nghiệp phụ trợ, điện điện tử...

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang mở rộng hợp tác với các tỉnh của Lào thông qua các các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, trong tương lai gần khi đường 15D nối cảng Mỹ Thủy đi qua Khu công nghiệp Quảng Trị đến Cửa khẩu quốc tế La Lay và Cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo được đầu tư, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao BảoDensavan đi vào vận hành thì sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến Quảng Trị sẽ tăng lên. Đặc biệt là tạo sự liên kết để phát triển giữa các khu, cụm công nghiệp cũng như các vùng kinh tế động lực của tỉnh Quảng Trị.

Như vậy, tại cửa ngõ phía Nam của tỉnh Quảng Trị có Khu công nghiệp Quảng Trị với mục tiêu là trung tâm sản xuất mới ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Tây có Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan sẽ là sự kết nối vô cùng quan trọng trên Hành lang kinh tế ĐôngTây, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Vì thế, các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Quảng Trị trong tương lai có thể mở rộng đầu tư thêm các chi nhánh, kho phân phối hàng hóa, cơ sở sản xuất, gia công tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan để được hưởng các ưu đãi cao hơn quy định của pháp luật Việt Nam và ưu đãi bởi chứng nhận xuất xứ (C/O) từ Lào khi xuất khẩu sang EU, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi về thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại Khu công nghiệp Quảng Trị và Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao BảoDensavan tỉnh Quảng Trị cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau.

Sớm hình thành khuôn khổ pháp lý chung cho Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới như đơn giản hóa thủ tục, hiện đại hóa quy trình quản lý bao gồm việc phê duyệt đầu tư, giấy phép lao động cho người nước ngoài, loại bỏ giấy phép xuất nhập khẩu không cần thiết...

Có các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đồng thời nghiên cứu áp dụng các mô hình hải quan thông minh-biên giới thông minh-kết nối thông minh mà các nước trên thế giới đang áp dụng nhằm hỗ trợ dòng chảy thương mại, du lịch, vận tải xuyên biên giới một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bởi đây là một phần quan trọng, tạo sức hấp dẫn đối với khu vực biên giới.

Mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện hơn bên cạnh thương mại, dịch vụ, đầu tư xuyên biên giới, logistics còn có phát triển trung tâm đào tạo, bán lẻ, tài chính..nhằm đưa Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa chính trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Tại đây sẽ hình thành các khu miễn thuế, kho ngoại quan lớn để lưu kho, đóng gói, phân loại hàng hóa như là một trung tâm phân phối hàng hóa đi và đến các quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong mở rộng, từ Myanmar, Thái Lan, Lào sang Việt Nam, kết nối với Trung Quốc qua đường sắt cao tốc Viêng Chăn-Côn Minh, đến cảng Mỹ Thủy, cảng quốc tế Đà Nẵng.

Đưa hàng hóa dọc Hành lang kinh tế Đông-Tây xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Từ đó hình thành nên đòn bẩy hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị và Savannakhet nói chung và Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao BảoDensavan nói riêng.

Một khi Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan sớm được hình thành và tạo được sự liên kết phát triển với Khu công nghiệp Quảng Trị, qua đó trở thành khu kinh tế thương mại biên giới kiểu mẫu giữa Việt Nam và Lào, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của hai quốc gia và khu vực.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tao-lien-ket-phat-trien-giua-khu-cong-nghiep-quang-tri-voi-khu-kinh-te-thuong-mai-xuyen-bien-gioi-chung-lao-bao-densavan/184508.htm