Tảo mộ Thanh minh chỉ nên bày lễ mặn tại một nơi duy nhất này

Rất nhiều người mang lễ mặn (xôi, gà, giò, chả...) đi cúng Thanh minh nơi mộ phần. Nhưng các nhà tâm linh khuyên chỉ được bày lễ mặn ở duy nhất một nơi trong nghĩa trang. Còn nếu đặt lên mộ gia tiên thì theo phong thủy dân gian coi là bị phạm.

Thanh minh đi tảo mộ không nên đắp mộ to, sửa mộ đầu năm

Thanh Minh tảo mộ để tưởng nhớ tổ tiên là phong tục đẹp của người Việt. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn từ xa xưa. Tiết Thanh minh đã trở thành lễ hội đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, với phong tục tảo mộ, sửa sang, thắp hương thành kính trước tổ tiên.

Tiết Thanh Minh thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên phần mộ tổ tiên, dòng họ. Vì vậy mới cần con cháu tảo mộ dọn sạch sẽ tứ phía mộ, phát quang cỏ rậm, nhổ bỏ cỏ dại, đắp bồi thêm đất, trồng thêm cây hoa nhỏ (như cây hoa mười giờ, cây sống đời...), hoặc cắm hoa tươi rồi thắp những nén hương thơm ngát khấn vái tưởng nhớ những người đã khuất.

Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, tiết Thanh minh là dịp tưởng nhớ tổ tiên. Vì vậy người dân không nên chi quá nhiều tiền để làm lễ to, đắp mộ to bề thế hơn những mộ xung quanh. Hoặc đốt nhiều vàng mã, cúng bái linh đình ngoài mộ... khoe với thiên hạ. Điều này tuyệt đối không nên vì làm thế gia tiên không được hưởng, mà là mê tín. Và tiết Thanh minh nếu muốn thì chỉ nên làm lễ cầu an cho gia đình.

Đi tảo mộ Thanh minh nên bày lễ, thắp hương cúng quan Thần linh trước. Ảnh: N.H

Đi tảo mộ Thanh minh nên bày lễ, thắp hương cúng quan Thần linh trước. Ảnh: N.H

Tiết Thanh minh cúng như thế nào?

Trước khi đi Thanh minh người dân lưu ý chuẩn bị một số việc chính như sau:

Quả cúng Thanh minh

Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, quả cúng Thanh minh phải là quả tươi mới, các cụ xưa thường mua mang về nhà để một lúc cho có "hơi ấm" gia đình rồi mới xếp vào làn, túi mang đi cúng.

- Tránh cúng lễ hoa quả héo, hay bị thủng, giập nát.

- Số lượng hoa và trái cây nên chọn là số lẻ (1-3-5).

Hoa cúng Thanh minh

Tiết Thanh minh hoa cúc đang rộ - cũng là loài hoa quen thuộc, giá cả phù hợp, tươi lâu, màu đẹp (nhưng không quá sặc sỡ), hương thơm dịu nhẹ, tượng trưng cho sự đau buồn và tưởng niệm, lại có ý nghĩa mang đến điều tốt lành cho gia chủ - nên rất được ưa chuộng đặt ở nghĩa trang, mộ phần.

Sau cúc vàng là các loại hoa trắng trang nhã như hồng trắng, cúc trắng, bách hợp trắng, hoa huệ... có ý nghĩa kính trọng tổ tiên, thể hiện sự thương tiếc và nhung nhớ - là những loài hoa hay được chọn để cúng Thanh minh.

Hoặc có thể chọn hoa theo mộc mạc theo tuổi tác, hay sở thích mà khi người mất thời còn sống người đã ưa thích.

Cúng Thanh minh ngoài mộ

Trước khi đi tảo mộ Thanh minh người dân cần:

- Bày hoa quả, thắp hương xin phép gia tiên trước rồi hãy đi Thanh minh.

- Dù đồ lễ nặng cũng không nên thuê người mang vác, xách đồ lễ. Hãy phân chia cho con cháu cùng gánh vác – cũng là niềm vui được đóng góp công sức tới gia tiên.

- Chủ lễ là con trưởng, cháu đích tôn, người kế thừa việc thờ cúng dòng họ - lo việc cúng lễ quan Thần linh và gia tiên.

Mâm lễ gồm: Hương đèn, trầu cau, hoa quả, tiền mã, đồ cúng chay hay mặn (đồ cúng mặn thường là xôi, gà, rượu thịt, hoặc khoanh giò nạc) – mâm lễ này chỉ dâng nơi ban thờ quan Thần linh.

Chủ lễ thắp hương, đèn, vái 3 vái rồi đọc văn khấn xin phép quan Thần linh quản vùng đất nghĩa trang đó - với ý nghĩa xin phép tảo mộ gia tiên (nơi nào không có ban thờ Thân linh thì có thể mang theo bàn bày lễ, thắp hương rồi khấn vái).

Trong lúc chủ lễ làm lễ, các con cháu nghiêm túc đứng chắp tay lễ phía sau, không nên nô đùa, nói chuyện quá to để thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng Thần linh và gia tiên.

Thắp hương ở nơi thờ quan Thần linh xong thì tới thắp hương ở mộ phần, xin phép được tảo mộ tổ tiên, sửa sang phần mộ, quét dọn sạch sẽ, nhổ bỏ cỏ dại, vun thêm đất mới cho mộ, tu bổ nơi sụt lún, sạt lở.... Quá trình tảo mộ chỉ nên dọn dẹp cỏ, trồng hoa, lau chùi... Lưu ý bề mặt mộ chỉ nhổ cỏ và không nên giật mạnh, đào bới mà gây sạt lở mộ.

Theo Phong thủy sư Tam Nguyên, tảo mộ xong thì dùng nước thơm khai vận bao sái, tẩy uế, lau sạch bia mộ, bát hương, xông khí, tẩy trừ uế khí... rồi mới bày hoa quả, thắp hương (mỗi ngôi một ít). Tuyệt đối không bày mâm lễ mặn ở mộ phần – vì bày đồ cúng mặn ở mộ phần khiến gia tiên càng khó siêu thoát. Bày đồ cúng chay thì ở đó có rất nhiều năng lượng xấu gia tiên không thể thụ hưởng được (muốn cúng lễ, đốt mã thì đi Thanh minh xong về nhà cúng, như thế gia tiên mới được hưởng).

Lễ vong linh ngoài mộ/nghĩa trang nên viết văn khấn ra giấy (hoặc lưu vào điện thoại để đọc), rồi hóa ngay cùng tiền vàng.

Khi hương cháy được 2/3 thì có thể vái tạ, đốt vàng mã đúng nơi quy định (không đốt quá gần mộ mà ảnh hưởng tới năng lượng của mộ). Có thể xin lộc và ra về - nhưng theo các nhà tâm linh thì hoa quả cúng ngoài nghĩa trang không nên mang về, mà cứ để đó ai cần thì dùng.

Tảo mộ Thanh minh xong nên trồng cây hoa, cỏ nhỏ trên mặt mộ để trang trí. Ảnh internet.

Cúng thanh minh ở nhà

Đi Thanh minh xong nếu có điều kiện thì làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.

Trong khi mọi người đi tảo mộ, người ở nhà bao sái ban thờ, phòng thờ cúng bằng nước thơm khai vận vừa làm sạch ban thờ, bát hương, bao sái đồ phong thủy, tẩy uế, trừ tà, khai quang… mong cầu phúc tài lộc thọ cho gia chủ, âm phần hưng thịnh - cũng là cách thể hiện sự tôn trọng, thành kính quan tâm tới tổ tiên.

Theo quan niệm của người Á Đông, Thanh minh cũng là dịp để bao sái bàn thờ với các công việc lau dọn, sắp xếp bàn thờ, tỉa bớt chân nhang… đón ông bà tổ tiên, chứng giám lòng thành của con cháu.

Sau đó bày mâm cỗ cúng Thần linh tại gia và tổ tiên với một tâm thành kính. Mâm cơm có thể là đĩa xôi, con gà, hoa quả, trầu cau, vàng mã, và một số món ăn khác. Cúng Thần linh và gia tiên xong thì hạ lễ cho con cháu sum vầy ấm áp vui vẻ.

* Thông tin phong thủy, kinh nghiệm dân gian trong bài chỉ mang tính tham khảo.

- Để việc tảo mộ diễn ra thuận lợi, ngoài việc sắm lễ nên chuẩn bị sẵn bài văn khấn tảo mộ Thanh minh ở ban Thần linh, phần mộ và tại gia.

- Trong khi lễ, gia chủ cần phải trang nghiêm, bày tỏ sự hiếu kính với gia tiên.

- Tảo mộ không được phá hoại cảnh quan xung quanh. Không được giẫm đạp lên mộ của người khác. Không phá hoại đồ thờ cúng ở đó.

- Con cháu đi tảo mộ không nên cười đùa, hay tạo dáng chụp ảnh trước những ngôi mộ.

- Thanh minh chỉ gia đình, họ tộc tự đi tảo mộ, tự khấn vái là được.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tao-mo-thanh-minh-khong-phai-ai-cung-biet-bay-le-man-tren-mo-la-pham-chi-nen-dat-duy-nhat-mot-noi-nay-172230408164206882.htm