Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Sáng 4.7, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề 'Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - hợp tác hướng tới lợi ích chung'.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: A.C

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousman Dione, Giám đốc quốc gia cấp cao phụ trách Việt Nam - Lào - Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế Kyle F.Kelhofe đồng chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của VN.

Cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng

Với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - hợp tác hướng tới lợi ích chung”, diễn đàn đã tập trung vào các kiến nghị và đưa ra những sáng kiến đề xuất với Chính phủ để giúp các DN phát triển bền vững. Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các cơ quan chức năng đã liên tục có những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng đó, cộng đồng DN trong nước và nước ngoài ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về số lượng và tiềm lực, góp phần đưa kinh tế VN tăng trưởng ở mức cao. Thông qua diễn đàn sẽ là nơi đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Theo ông Tomaso Andreatta - đồng Chủ tịch VBF - kinh tế VN đang tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển như chưa thu hút được nhiều DN công nghệ cao, các chính sách về thuế, hải quan cũng gây khó khăn và tốn kém cho DN... Qua đó, cải cách thể chế đã mang lại lợi ích cho DN, thông qua diễn đàn các kiến nghị nâng cao năng lực của các DN, giúp các DN trưởng thành và sẽ có cơ hội để kết nối với các DN quốc tế. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Koji Ito cũng đưa ra 3 khuyến nghị về cải cách hành chính, môi trường và nợ công nếu thực hiện tốt được các vấn đề trên sẽ tạo điều kiện cho DN có môi trường đầu tư thông thoáng và vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ.

Năng suất lao động thấp khó thu hút đầu tư

Tại diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, hiện đội ngũ LĐ của VN đang được đào tạo bài bản và có năng lực vượt bậc nhưng vẫn cần được trang bị thêm ngay từ các trường CĐ, ĐH về kiến thức quản lý kỹ thuật, về ô nhiễm môi trường, điều này rất cần khi các DN phát triển và kết nối giữa các DN trong nước và DN nước ngoài. Theo ông Vũ Tiến Lộc - đồng Chủ tịch VBF - bên cạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhưng các mặt hàng hóa dịch vụ cung cấp cho NLĐ được kết nối và cần phải tăng cường sự kết nối này. Trong đó vai trò của cộng đồng DN rất quan trọng, hình thành chuỗi giá trị để thiết lập các mối quan hệ kinh tế. Do đó, thách thức lớn của nền kinh tế VN là phải nâng cao NSLĐ. Hiện số lượng LĐ đang làm việc tại lĩnh vực nông nghiệp còn cao, trong những năm tới phải chuyển đổi ít nhất 30% số LĐ nữa sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, tiến tới chỉ khoảng 10% LĐ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê hiện số LĐ qua đào tạo chỉ 21%, số LĐ được giáo dục đào tạo nghề (sau phổ thông) xếp thứ 68% trên thế giới, do vậy không thể có NSLĐ cao và không thể lương cao được. Cùng đó nhiều DN cũng đề xuất quan trọng là giảm các chi phí khác cho DN như thuế, logistics, hành chính… do đó đẩy mạnh cải cách thể chế giảm chi phí cho DN thì DN sẽ có nhiều điều kiện hơn để trả lương cho NLĐ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề trả lương cho NLĐ hiện đã cao hơn. Nhưng nếu NSLĐ cao thì NLĐ sẽ có thu nhập tốt hơn và đây cũng là điều kiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào VN. “Hiện vẫn còn tình trạng lao động sẵn sàng nhảy việc tìm việc làm mới, do vậy cần phải trang bị cho họ kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình trước công việc và không để bị sa thải trái luật” - ông Lộc cho biết.

Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

Theo đại diện Hiệp hội DN Châu Âu (EuroCham), Hiệp định Thương mại tự do VN-EU là cơ hội để mở cửa của hai thị trường và mang đến nhiều cơ hội cho các DN và người tiêu dùng hai bên. EuroCham hy vọng Chính phủ VN sẽ tiếp tục giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ DN đảm bảo cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả. Thông qua CPTPP, EVFTA, WTO, cùng với 10 FTA khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định, sẽ là các cánh cửa quan trọng để Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng, cũng như tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, bền vững và hấp dẫn.

Tại diễn đàn, Cộng đồng DN trong và nước ngoài đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là về thủ tục xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng cường các hành động thực thi các nghĩa vụ về tạo thuận lợi thương mại trong hiệp định; tạo thuận lợi thương mại của WTO và tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới...

ĐẶNG TIẾN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tao-moi-truong-dau-tu-thong-thoang-616768.ldo