Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ khởi nghiệp

Sáng 14/10 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Lễ trao giải Chung kết toàn quốc cuộc thi 'Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa' năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung quan trọng để thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đây là cuộc thi lần thứ 5 được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Chúc mừng, biểu dương 33 dự án tham gia vòng chung kết toàn quốc năm 2023 và các tác giả dự án đoạt giải của cuộc thi, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Hội LHPN Việt Nam đã triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào phong trào khởi nghiệp, mục tiêu bình đẳng giới quốc gia và sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững của đất nước.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó phụ nữ - chiếm 50% dân số, gần 48% lực lượng lao động của đất nước ta - được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành các đề án dành riêng cho phụ nữ, giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện, nổi bật là hai Đề án của Chính phủ: Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao giải cao nhất Cuộc thi cho chị Hoàng Thị Thùy Linh (Vĩnh Phúc) với Dự án "Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ".

Các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp với nhiều chủ đề khác nhau đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của tổ chức Hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp là diễn đàn lớn, sâu rộng, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong hành trình khởi nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Những đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp đã tạo ra giá trị mới, động lực mới, không chỉ góp phần to lớn trong phát triển kinh tế đất nước mà còn có những tác động tích cực vào giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thực hiện một số nội dung quan trọng.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ khởi nghiệp, nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện cho phụ nữ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ khởi nghiệp...

Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó lưu ý hệ sinh thái riêng cho phụ nữ khởi nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế nhằm hỗ trợ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của phụ nữ.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung quan trọng. Đó là: Gắn phong trào khởi nghiệp với đổi mới sáng tạo để tạo giá trị, sản phẩm mới, động lực mới cho cộng đồng và xã hội; gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; gắn với quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương; khởi nghiệp phải được hỗ trợ bởi doanh nghiệp và ngân hàng về thị trường và vốn; được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, khuyến khích, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đoạt giải.

Thủ tướng lưu ý, cần quán triệt thực hiện nguyên tắc “3 không” - không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hiệu quả, thiết thực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; chú trọng tổ chức các phong trào, diễn đàn, hoạt động biểu dương, tôn vinh nhằm khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ.

Đồng thời, tích cực vận động sự tham gia hưởng ứng, hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp và các thành phần trong xã hội đối với phong trào khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ cả nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần chủ động và tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nói riêng và hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, ngọn lửa nhiệt huyết khởi nghiệp của những phụ nữ có dự án khởi nghiệp ngày hôm nay sẽ được lan tỏa rộng khắp, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến, đóng góp trong các tầng lớp phụ nữ. Sẽ ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, hợp tác xã của phụ nữ đứng tên trong danh sách những dự án khởi nghiệp thành công của Việt Nam, của khu vực và của thế giới, đóng góp cho một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, bao trùm, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng cũng kêu gọi và đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, ngân hàng cùng chung tay, chung sức đồng hành, hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh.

33 dự án thắng giải phụ nữ khởi nghiệp 2023

Cuộc thi trao 1 giải Đặc biệt (trị giá 120 triệu đồng) cho dự án ứng dụng công nghệ cao về sản xuất sữa gạo lứt hữu cơ của Hoàng Thị Thùy Linh (Vĩnh Phúc). 3 giải Nhất trị giá 60 triệu đồng thuộc về tác giả Vương Thị Thương (Lạng Sơn) tạo hồng vành khuyên treo gió hữu cơ; Bùi Thị Kim Anh (Đắk Lắk) dự án từ trà và hoa cafe tạo việc làm cho người lao động và Trương Thị Bạch Thủy (Sóc Trăng) với dự án làng mây tre đan. Ngoài ra, cuộc thi trao 4 giải Nhì (35 triệu đồng) cùng 6 giải Ba (25 triệu đồng), 19 giải Khuyến khích (12 triệu đồng).

Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay nhận 2.024 dự án, trong đó có tới 53,8% dự án tổ hợp tác xã. Qua 3 vòng thi, 33 dự án được lựa chọn vòng chung kết, các dự án được vinh danh nhận thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 2,3 tỷ đồng, kèm giấy chứng nhân và biểu trưng.

Sau 5 năm triển khai, đến nay có 80.000 ý tưởng kinh doanh, hơn 70.000 phụ nữ khởi nghiệp và 60.000 doanh nghiệp do phụ nữ thành lập. Năm 2023, cuộc thi hướng mục tiêu các dự án giữ gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gene, tri thức và công nghệ của địa phương hình thành từ các địa phương. Những sáng kiến xuất sắc trong cải thiện quy trình sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mới, có mô hình kinh doanh mới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy bản sắc, đáp ứng nhu cầu thương mại.

NGUYỄN SÍU

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/tao-moi-truong-dieu-kien-thuan-loi-nhat-cho-phu-nu-khoi-nghiep-20231014164300.htm