Tạo môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo

Để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thì vấn đề pháp lý đóng vai trò then chốt, quan trọng bậc nhất. Chính sách tốt mới khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Các Đại biểu tham quan gian hàng tại “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022”.

Các Đại biểu tham quan gian hàng tại “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022”.

Chia sẻ tại chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 20/12, bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, UNDP ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong hơn 20 năm qua.

“Chúng ta có thể thấy được sự nhiệt tình cũng như đam mê và sức sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự hiện diện ở đây ngày hôm nay. Có thể đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn Việt Nam. Năm 2022 hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể và tăng được 5 bậc để vươn lên vị trí thứ 54 trên chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu mới”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

Theo bà Ramla Khalidi, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 494.000.000 đô la vốn đầu tư mạo hiểm. Những con số ấn tượng này không chỉ chứng minh các tiềm năng của công ty khởi nghiệp Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm to lớn mà các nhà đầu tư dành cho thị trường Việt Nam.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy, đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của xã hội. Chất lượng các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo chiều hướng tốt lên với sự đóng góp của các quỹ đầu tư, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, vườn ươm, trường đại học...

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2022, hoạt động khởi nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học/cao đẳng được quan tâm với việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. “Đây là xu hướng đang triển khai ở nhiều nước trên thế giới, còn ở Việt Nam, được kỳ vọng tạo sự đột phá trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ năm 2022”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.

Đại diện VCCI cũng nhận định hoạt động khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2023 cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi chứng kiến sự sụt giảm trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á về dòng vốn đầu tư mạo hiểm và những thách thức của nền kinh tế nước ta trong việc kiểm soát lạm phat, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu về vốn và nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân, với độ mở và hội nhập của nền kinh tế cao, tăng trưởng ổn định và nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động vẫn đang được coi là thị trường hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Mặt khác, sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của việc ứng dụng tri thức, khoa học và công nghệ thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong đời sống, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các ban, bộ, ngành nhằm đưa ra các chính sách, giải pháp cho cộng đồng, xã hội và thị trường sẽ là những yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Còn bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (thuộc VCCI) khẳng định, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang dần hoàn thiện cả về môi trường pháp lý. Trong đó, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là Luật đầu tiên chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tính định danh về doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã rõ ràng, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, từ đó các chính sách hỗ trợ được phát triển tiếp theo.

Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, quỹ mạo hiểm… “Như đã biết, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thiếu rất nhiều, kiến thức, kỹ năng quản trị, thiếu vốn…để khơi thông thì ngày càng có nhiều hơn những hỗ trợ cho doanh nghiệp, ví dụ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Thủy chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại chương trình.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, có chủ trương chính sách phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân thúc đẩy phát triển khởi nghiệp quốc gia.

Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, ông Nguyễn Đức Hiển phân tích, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, trong đó có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Ban Kinh tế Trung ương cũng cam kết đồng hành cùng chương trình khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, kịp thời phối hợp với các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương có các kiến nghị tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện chủ trương chính sách thúc đẩy khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng ở Việt Nam.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tao-moi-truong-phap-ly-cho-khoi-nghiep-sang-tao-20221220172548089.htm