Tạo môi trường sòng phẳng cho đổi mới, sáng tạo

Đổi mới, sáng tạo là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại. Doanh nghiệp cần môi trường cạnh tranh sòng phẳng để thay đổi, phát triển trong xu hướng bùng nổ của công nghệ

Nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia, nhà quản lý nhìn nhận như vậy tại tọa đàm "DN TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-10.

Đổi mới hay là "chết"

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Có được vị thế như hôm nay, hàng chục năm qua, lãnh đạo TP luôn quyết tâm đổi mới với nhiều chính sách đột phá. Một trong những chính sách đó là khơi nguồn đổi mới và sáng tạo, tập trung nhiều vào khoa học và công nghệ. TP đã rất nỗ lực nhưng trước nhu cầu mới, sự nỗ lực đó vẫn chưa đủ để phát triển.

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub, cho rằng đổi mới, sáng tạo thực chất là sự thay đổi. Áp lực hiện nay đòi hỏi các DN phải thay đổi liên tục hơn nữa. Có những thương hiệu lớn trên thế giới từ 10-15 năm trước nhưng giờ không giữ được tên tuổi, họ "chết" do không nắm bắt kịp xu hướng công nghệ, thiếu sự sáng tạo.

Các đại biểu trao đổi bên lề tọa đàm Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Năm đại gia công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay đều là những DN mới xuất hiện như Facebook, Google... hoạt động dựa trên nắm bắt, ứng dụng công nghệ mới. Với công nghệ mới, nếu DN không có chính sách chạy trước, không chuẩn bị thì sẽ mất cơ hội.

"Chỉ 3-5 năm trước, liệu các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh có nghĩ là sẽ mất thị trường. Khi Grab, Uber ra đời, lập tức taxi truyền thống gặp khó. Câu chuyện không phải là mạnh để xuất ngoại mà mạnh còn để tồn tại ở thị trường trong nước và cũng là khó khăn" - ông Huỳnh Kim Tước dẫn chứng.

Trong tương lai, những ngành nghề mới sẽ tiếp tục ra đời, DN có chuẩn bị tâm thế để thích nghi, thay đổi? Xu hướng hội nhập, DN cần nghĩ không chỉ tồn tại ở nước ngoài mà ngay cả DN trên sân nhà cũng đã phải cạnh tranh khi DN nước ngoài xuất hiện.

Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinasun, nhìn nhận tính chất sống còn của đổi mới, sáng tạo nằm ở nhiều khía cạnh, từ quản trị điều hành cho đến kế hoạch - kinh doanh. "Từ năm 2008-2009, Vinasun đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, kinh doanh nhưng cơ sở hạ tầng thời điểm đó rất yếu, mạng chập chờn, chi phí cao. Đến giai đoạn 2012-2014, hạ tầng kỹ thuật tốt hơn, chúng tôi đưa công nghệ vào quản lý" - ông Quý thuật lại.

Theo các DN, họ hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cái khó nhất là những rào cản chính sách. "DN không cần sự bảo trợ của nhà nước mà cần bình đẳng, bình đẳng tại sân chơi trong nước. Các sở, ngành TP cần nghiên cứu cách thức DN nước ngoài triển khai ở Việt Nam vì các tập đoàn đa quốc gia có tài chính mạnh nên khi vào nước ta, DN trong nước không chống đỡ nổi. Trong điều kiện không bình đẳng, DN nước ngoài dùng sân chơi, cách chơi để "tiêu diệt" DN Việt. Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp nhưng đừng để xảy ra tình trạng DN Việt Nam không có điều kiện để lớn" - ông Quý kiến nghị.

Khuyến khích thay đổi

Ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, CEO P.A.T Consulting - đánh giá công nghệ tác động rất lớn đối với mô hình kinh doanh mới hiện nay. Với sự xuất hiện của thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng liên quan mật thiết đến hành vi của DN. Sự hình thành hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội sẽ thay đổi hình thức kinh doanh cũ. Kinh doanh truyền thống không còn là thế mạnh. Ngoài ra, với khả năng lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, mô hình kinh doanh và hành vi ứng xử của DN cũng phải đổi khác rất nhiều so với trước đây.

Nêu thực trạng nhóm 10 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới đều ở lĩnh vực công nghệ nhưng nhóm 10 ở Việt Nam lại nằm trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản…, ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, chỉ ra rằng DN công nghệ Việt Nam đứng trước áp lực phải thay đổi nhưng đang gặp rất nhiều rào cản không hẳn là kỹ thuật, giải pháp mà là con người.

Ông Huỳnh Kim Tước khẳng định đã đến lúc DN cần thay đổi. "Một chiếc điện thoại iPhone 7, giá linh kiện chỉ 219,8 USD, giá lắp ráp 5 USD nhưng giá bán đến 649 USD. DN Việt chọn tham gia vào khâu nào trong gia công, dịch vụ thương mại hay sáng tạo? TP phải là một trung tâm của thương mại, tài chính. Và trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta sẽ nhận 5 USD từ chiếc điện thoại hay 500 USD" - ông Huỳnh Kim Tước ví von.

Về kinh nghiệm thành công của mình, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Yeah1, cho biết giá cổ phiếu của Yeah1 hiện vẫn cao nhất trên sàn. Công ty đang vận hành dựa trên nền tảng công nghệ, tận dụng sự bùng nổ của công nghệ 4.0 để bán sản phẩm ra thế giới. "Cơ hội của công nghệ, internet mang lại rất lớn. Khai thác công nghệ tạo giá trị cực kỳ lớn bởi sản phẩm liên quan đến mạng internet không chỉ phục vụ thị trường 100 triệu dân trong nước mà cả thế giới" - ông Tống nói.

Vậy DN sẽ bắt đầu từ đâu để thay đổi? Đứng ở góc độ hội ngành nghề, bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, nhận định ngay tại cái nôi của đổi mới, sáng tạo là TP HCM, chính quyền TP cần có nhiều chính sách hơn để khuyến khích DN tăng cường đổi mới, sáng tạo trong cả công nghệ và môi trường kinh doanh. Đó là điều quan trọng đầu tiên trong việc hợp tác giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với DN. Bên cạnh đó, phải đào tạo nguồn nhân lực để có những con người đủ năng lực vận hành, ứng dụng công nghệ. Dù trong hay ngoài hệ sinh thái thì DN đổi mới, sáng tạo cần sự ủng hộ, giảm bớt rào cản gia nhập thị trường...

THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN - PHƯƠNG NHUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tao-moi-truong-song-phang-cho-doi-moi-sang-tao-20181012221144922.htm