Tạo 'nền móng' từ tuần làm quen cho học sinh lớp 1

Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 không hiểu ý nghĩa của tuần làm quen (tuần 0) nên tỏ ra bất ngờ, thắc mắc vì sao trẻ phải tựu trường sớm hơn so với học sinh khối lớp khác?

Học sinh lớp 1 học tập vững vàng hơn nếu được triển khai tuần làm quen. Ảnh minh họa

“Bước đệm” quan trọng

Thực tế cho thấy việc triển khai “tuần 0” ở các trường tiểu học đã mang lại hiệu quả lớn cho quá trình học tập kiến thức sau khai giảng. Đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo duc phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) thì quy trình này càng không thể thiếu. Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên ngay cả khi dịch bệnh ảnh hưởng, học sinh phải khai giảng và học trực tuyến tại nhà thì các trường vẫn không quên dành thời gian triển khai “tuần 0” theo hình thức online.

Theo cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh): Ở tuần làm quen, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh những kỹ năng sơ đẳng nhất phục vụ cho quá trình học tập suốt một năm học tại trường. Cụ thể, các em được làm quen cô chủ nhiệm, bạn bè mới, các phòng chức năng trong trường (đặc biệt khu vệ sinh và cách sử dụng thiết bị).

Giáo viên cũng hướng dẫn các em kỹ năng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, cần thiết với trẻ vừa từ mẫu giáo vào lớp 1 như: Tư thế ngồi học đúng cách để không bị mỏi, còng lưng, cận thị; cách cầm bút để viết đẹp, không mỏi tay; việc sử dụng đồ dùng học tập trên lớp (bảng viết, bộ dụng cụ đếm, bút tô màu…) và không thể thiếu việc rèn nền nếp học tập, sinh hoạt khi học 2 buổi/ngày.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) bày tỏ: Học sinh bỡ ngỡ với quy định, nền nếp trường lớp; việc chuẩn bị bộ sách giáo khoa theo đúng yêu cầu của trường cũng cập rập. Về phía giáo viên cũng chưa kịp nhớ hết tên học sinh trong lớp để tương tác khi dạy học, chưa hướng dẫn, giới thiệu được cho học sinh những phòng chức năng cần thiết (phòng đọc sách, vui chơi, khu vệ sinh...) vì vậy khi trở lại trường học trực tiếp đã phải tiến hành lại công việc này.

Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) chia sẻ: Trong những năm gần đây, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc trước khi bước vào lớp 1 được các trường mầm non quan tâm và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, đặc điểm của học sinh ở lứa tuổi tiểu học dễ nhớ nhanh quên, sau thời gian dài nghỉ hè, bố mẹ chủ yếu giao tiếp bằng tiếng bản địa nên các em quên khá nhiều.

Nếu có tuần làm quen không chỉ sẽ triển khai các hoạt động dạy học sinh về nền nếp, kỹ năng… mà còn củng cố lại tiếng Việt thông qua giao tiếp, trò chơi, quy định tại lớp học. Với học sinh dân tộc bước vào lớp 1, tiếng Việt càng vững vàng bao nhiêu thì khả năng tiếp nhận kiến thức, hoàn thành mục tiêu cơ bản là nghe, nói, đọc, viết hiệu quả bấy nhiêu…

Năm học 2021 - 2022 do dịch bệnh kéo dài nên không có “tuần 0” trực tiếp, sau khai giảng, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) bước vào dạy học ngay nên cả cô và trò đều gặp khó khăn trong giảng dạy thời gian đầu.

Vững kỹ năng và nền nếp, học sinh lớp 1 sẽ tự tin hòa nhập môi trường mới. Ảnh minh họa

Không thể thờ ơ với “tuần 0”

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) khẳng định, trẻ vào lớp 1 không thể thiếu “tuần 0”. Đây là tuần để trẻ làm quen với thầy cô, bạn bè mới, môi trường cũng như các yêu cầu của hoạt động học tập.

“Việc làm quen với nhiều điều mới mẻ đối với trẻ chỉ trong vòng 1 tuần đôi khi chưa đủ thời gian (thậm chí có trẻ mất 2 - 3 tuần đến 1 tháng mới quen). Càng làm quen với môi trường mới bao nhiêu càng giúp trẻ yên tâm, ổn định về mặt tinh thần bấy nhiêu. Từ đó trẻ mới có thể bắt nhịp học tập hiệu quả…”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.

Đối với các trường tiểu học có học sinh dân tộc, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cũng lưu ý, việc củng cố tiếng Việt trong tuần đầu nếu triển khai thì có phương pháp phù hợp với năng lực học sinh, tránh trở thành buổi học căng thẳng. Hoạt động này cần nhiều thời gian, phương pháp… vì vậy, có thể để vào trong năm học thực hiện song song dạy học kiến thức chương trình. Nên khảo sát chất lượng đầu vào để có giải pháp tháo gỡ phù hợp khi bước vào năm học…

Mục tiêu cơ bản của “ tuần 0” là giúp học sinh vào lớp 1 làm quen với việc học, tạo kết nối nhẹ nhàng cho bước chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi ở trường mầm non sang hoạt động chủ đạo học tập ở trường tiểu học.

Chia sẻ thông tin trên, cô Khuất Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây, Hà Nội) đồng thời cho hay: Tất cả kỹ năng tưởng như đơn giản nhất (xếp hàng vào lớp, giao tiếp thầy cô bạn bè, phát biểu ý kiến, kết nối, hợp tác trong học tập…) đều cần giáo viên hướng dẫn để học sinh làm quen từ đó hình thành ý thức, nền nếp. Do đó học sinh càng thành thạo kỹ năng, yêu cầu của “tuần 0” càng hiệu quả trong quá trình học tập. Vì vậy, cha mẹ hãy hiểu đúng tầm quan trọng, sự cần thiết để đồng hành đúng nghĩa.

“Ở trường mầm non, hoạt động chủ yếu của trẻ là chơi, thông qua chơi để giáo dục và hình thành những kiến thức, kỹ năng đơn giản nhất, và gần như được cô giáo cận kề hỗ trợ. Thế nhưng vào lớp 1, các em sẽ thay đổi cơ bản môi trường, thói quen sinh hoạt, học tập. Nếu không có “tuần 0” để giáo viên hướng dẫn, học sinh không chỉ khó khăn về hòa nhập, thích nghi, tiếp nhận kiến thức mà sẽ có bước khởi đầu vất vả, chậm chạp. Khi thành thạo những yêu cầu, kỹ năng cơ bản trẻ học tập hiệu quả, chủ động thích nghi, tự tin với bản thân, không khóc lóc khi tới lớp…”, cô Thủy trao đổi.

Đức Trí

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-nen-mong-tu-tuan-lam-quen-cho-hoc-sinh-lop-1-post603416.html