Tạo niềm tin cho đoàn viên và người lao động

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Tư vấn pháp luật (TVPL) Công đoàn Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch hoạt động tuyên truyền, TVPL cho đoàn viên CNVCLĐ, qua đó, giúp người lao động hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình để thực hiện tốt nhằm giữ được việc làm, nâng cao đời sống, tự bảo vệ chính mình trong quan hệ lao động.

Đây là báo cáo của Trung tâm TVPL Công đoàn Hà Nội về kết quả công tác TVPL trong 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2018. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ cấp trên cơ sở tổ chức 67 cuộc tuyên truyền, TVPL lưu động về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới người lao động cho khoảng 10.750 CNVCLĐ.

Trung tâm TVPL Công đoàn Hà Nội tư vấn pháp lý lưu động cho công nhân KCN Bắc Thăng Long nhân dịp Lễ phát động Tháng công nhân năm 2018

Riêng trong Tháng công nhân năm 2018, Trung tâm đã tổ chức tư vấn pháp lý lưu động cho CNLĐ tại kiot thông tin đặt tại khu nhà ở công nhân KCN Bắc Thăng Long, thu hút đông đảo CNLĐ trong khu công nghiệp tới tham dự. Thông qua các hoạt động này, CNLĐ đã được tiếp cận với các kiến thức pháp luật và dịch vụ pháp lý miễn phí của tổ chức công đoàn đã đến được với CNLĐ một cách hiệu quả, thiết thực nhằm tạo niềm tin đối với CNLĐ khi gia nhập tổ chức công đoàn.

Cùng với đó, trong 9 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã phối hợp với LĐLĐ huyện Gia Lâm, Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội tổ chức 4 cuộc đối thoại về những nội dung pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Thông qua buổi đối thoại, người lao động đã hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, pháp luật về lao động và những quy định khác liên quan đến quyền lợi của người lao động, từ đó chấp hành đúng quy định của pháp luật và tự bảo vệ được quyền lợi của mình khi cần thiết.

Buổi đối thoại còn giúp người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn nữa các chế độ chính sách đối với người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm còn phối hợp với một số đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở tư vấn giải quyết các tranh chấp lao động; tư vấn tham gia xây dựng nội quy lao động đối với đơn vị doanh nghiệp chưa có CĐCS.

Qua thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động, Trung tâm và Công đoàn cấp trên cơ sở đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp công tác, Trung tâm đã hướng dẫn và hỗ trợ pháp lý kịp thời, giải quyết những yêu cầu tư vấn, những tranh chấp lao động đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn các đối tượng tới cách giải quyết hài hòa về quyền và lợi ích của các bên.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm thực hiện tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua thư điện tử, tư vấn trực tiếp tại trụ sở Trung tâm cho 216 đối tượng về những nội dung của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp... và một số các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động.

“Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn đã từng bước tạo được niềm tin pháp lý cho đoàn viên công đoàn, người lao động và CĐCS”- bà Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TVPL Công đoàn Hà Nội khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Trung tâm TVPL Công đoàn Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền, TVPL cho CNVCLĐ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, Trung tâm đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn giải đáp pháp luật, tư vấn miễn phí cho đoàn viên CĐ, CNVCLĐ tuy nhiên lĩnh vực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn tại các cơ quan tố tụng còn hạn chế, chưa mở rộng thực hiện các dịch vụ pháp lý cho các đối tượng theo yêu cầu.

Công tác TVPL tại cơ sở chưa được các cấp công đoàn quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian, kinh phí khiến hiệu quả chưa cao. Bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác TVPL còn mỏng, đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động TVPL chưa nhiều nên chưa đáp ứng nhu cầu tư vấn của các đối tượng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, TVPL cho CNVCLĐ trong thời gian tới, bà Vũ Thị Hương kiến nghị LĐLĐ Thành phố tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ TVPL cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác TVPL để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo Trung tâm cũng đề nghị Thường trực LĐLĐ Thành phố chỉ đạo Ban Thường vụ công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm để thực hiện tốt công tác TVPL.

N.Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-niem-tin-cho-doan-vien-va-nguoi-lao-dong-82028.html