Tạo niềm tin trái phiếu doanh nghiệp

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để huy động vốn dài hạn bền vững, giảm gánh nặng cho vay đối với các NHTM, đang được nhiều doanh nghiệp (DN) hưởng ứng. Tuy nhiên, so với với tổng lượng TP đã phát hành, quy mô TPDN vẫn chưa đáng kể vì còn nhiều rào cản, vướng mắc.

Thêm động lực cho TPDN

Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA) vừa ra mắt hợp đồng khung cho giao dịch mua bán lại. 17 thành viên thị trường TP đã ký biên bản ghi nhớ cam kết triển khai sử dụng hợp đồng khung này. Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch VBMA, hợp đồng khung cung cấp thêm căn cứ pháp lý vững chắc cho thị trường mua bán lại TP, từ đó dần tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hỗ trợ thị trường TP gia tăng thanh khoản, đa dạng hóa các thành viên tham gia thị trường (công ty chứng khoán, tổ chức tài chính phi NH và DN).

Hiện thị trường TPDN Việt Nam vẫn chưa phát triển nhiều và các DN vẫn chưa huy động được nhiều vốn qua kênh này, xuất phát từ vấn đề lòng tin. Điều này khiến nhà đầu tư nhìn TPDN thấy rủi ro cao hơn về tài sản đảm bảo, về thanh khoản. Muốn cải thiện, DN phải minh bạch để tạo dựng lòng tin về TPDN cho nhà đầu tư.

Ông PHẠM VĂN THINH,
Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Về vấn đề này, bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính các NH và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nội dung phát hành TPDN ra công chúng, đưa vào Luật Chứng khoán sửa đổi, trình Quốc hội thông qua vào tháng 9-2019. Các quy định tại Luật Chứng khoán sửa đổi mang tính chất cải tiến, như DN phát hành TPDN bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm; đồng thời quy trình, điều kiện hồ sơ giữa phát hành TP ra công chúng cũng có sự tách biệt so với phát hành cổ phiếu. Còn TPDN phát hành riêng lẻ chỉ hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hiện nay, nhắc đến thị trường TPDN, các NHTM vẫn đang đi đầu. Tại thời điểm cuối năm 2018, lượng TP kỳ hạn từ 12 tháng đến 5 năm tại BIDV đã tăng vọt lên 5.750 tỷ đồng từ mức 61 tỷ đồng vào cuối năm 2017. NH này cũng nắm hơn 2.000 tỷ đồng TP kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Các NH như Vietcombank, Vietinbank, VIB, MB, HDBank, ACB… cũng đua nhau phát hành hàng ngàn tỷ đồng TP để huy động vốn. Năm 2018 các DN tham gia phát hành TP đã giúp thị trường thực sự sôi động. Trong đó đáng chú ý là chiến dịch huy động vốn bằng TP của các DN bất động sản có xu hướng gia tăng.

Mới đây, Nghị định 163/2018 của Chính phủ quy định về phát hành TPDN cho phép phát hành TP để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động, hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ từ ngày 1-2-2019. Theo đó, DN phát hành TP theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Diễn biến nói trên đang tạo ra kỳ vọng mới để thúc đẩy thị trường TPDN thay đổi diện mạo trong thời gian tới.

Còn nhiều việc phải làm

Theo các chuyên gia, hiện NHNN hạ thấp tăng trưởng tín dụng, đồng thời định hướng giảm dần gánh nặng cho vay đối với các TCTD. Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, trong đó có cổ phiếu và TPDN. Kinh nghiệm các nước trong khu vực cho thấy khi tín dụng được đẩy mạnh và sau một thời gian hạ trở lại, để đảm bảo DN vẫn tiếp cận được vốn phải để các DN vừa và lớn phát hành được TPDN.

Lúc đó, các NHTM sẽ chuyển sang tư vấn và kiến tạo thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra làm thế nào để DN sẵn sàng phát hành TPDN và TPDN phát hành sẽ có các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đầu tư, mua bán trao đổi trên thị trường thứ cấp. Còn hiện nay TPDN chủ yếu do NH mua và nắm giữ, đồng thời số lượng DN cũng như quy mô phát hành TPDN vẫn còn nhỏ so với tổng lượng TP lưu hành trên thị trường.

Để cải thiện thị trường TPDN đòi hỏi DN phải minh bạch. Tuy nhiên, chuẩn mực trong quản trị đang áp dụng tại Việt Nam có khoảng cách rất lớn so với chuẩn mực được áp dụng trên thế giới. Chẳng hạn, chuẩn mực kế toán đang áp dụng là sản phẩm đã được chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán trước đây khoảng hơn 10 năm, hầu như trong quá trình áp dụng không cập nhật những thay đổi.

Gần đây, Bộ Tài chính chỉ họp bàn để đưa chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam, trong khi 131 quốc gia đã áp dụng. Bên cạnh đó, về quản trị công ty, IFC đánh giá mức độ áp dụng quản trị OECD ở Việt Nam so với các nước trong khu vực ở vị trí rất thấp. Vì thế, bản thân DN có muốn minh bạch hay không còn liên quan đến sở hữu chéo, các công ty liên quan…

Có thể nói, để phát hành TPDN không chỉ cần khuôn khổ pháp lý, còn nhiều việc phải làm như xây dựng lại hệ thống chuẩn mực, đào tạo hệ thống kế toán, nâng cao năng lực quản lý cũng như cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội…

Những việc này cần phải có thời gian chuẩn bị về mặt con người, chính sách, chuẩn mực, cơ sở hạ tầng để thực hiện. Song DN và cơ quan quản lý phải chuẩn bị thật nhanh, không nên chờ đến 5-6 năm nữa mới hoàn thiện. Hiện định hướng điều hành tín dụng của NHNN được đánh giá là cơ hội đồng thời là sức ép đối với thị trường TPDN trong năm 2019-2020.

Vì nếu DN không phát hành TP sẽ không có vốn dài hạn để đầu tư phát triển. Do đó, DN phải sớm thực hiện các chuẩn mực về minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị. Đồng thời Nhà nước phải cải cách mạnh mẽ hơn trong giải quyết bài toàn về thị trường vốn tại Việt Nam.

Thiên Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/tao-niem-tin-trai-phieu-doanh-nghiep-66469.html