'Táo quân vi hành' bị khán giả chê xàm, vì đâu nên nỗi?

'Táo quân vi hành' vừa lên sóng có format mới cùng sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên tài năng nhưng chương trình lại bị không ít khán giả chê xàm.

Dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020, ngoài “Gặp nhau cuối năm 2020”, chương trình “Táo quân vi hành” cũng được đông đảo khán giả truyền hình mong đợi sau thông tin “Táo quân” chính thức dừng sản xuất sau 16 năm.

Đúng như thông báo từ trước đó, “Táo quân vi hành” đã lên sóng vào tối ngày 17/1 (ngày 23 tháng Chạp). Với format mới, bộ ba quyền lực Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu rời thiên đình đến châu Âu để tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng người Việt nơi đây.

Ở trời Tây, Ngọc Hoàng chứng kiến những câu chuyện, mảnh đời của những người Việt xa xứ như tình trạng lừa đảo, buôn gian bán lận, vượt biên, các cuộc thi nhan sắc, văn hóa tổ chức vô tội vạ, buôn show bán vé phi pháp, vấn nạn “sinh con để được định cư ở nước ngoài”.

“Táo quân vi hành” có sự tham gia diễn xuất của dàn nghệ sĩ quen thuộc như NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc, NSND Công Lý, nghệ sĩ Vân Dung, NSND Tự Long, diễn viên Hà Trung (Trung Ruồi), Duy Nam và ca sĩ Minh Quân.

 “Táo quân vi hành”.

“Táo quân vi hành”.

Không thể phủ nhận nỗ lực của “Táo quân vi hành” khi lựa chọn format khác với “Táo quân” hay “Gặp nhau cuối năm 2020”. Tuy nhiên, sau khi lên sóng, “Táo quân vi hành” lại bị chê nhiều hơn khen.

Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng chương trình xàm, không hài hước. Một trong những lý do “Táo quân vi hành” không chọc cười được số đông khán giả có lẽ bởi chương trình đề cập đến cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, tuy gây nhiều tò mò nhưng lại khá xa lạ với đa số khán giả nên các tình huống khó làm khán giả bật cười.

Người xem cho rằng “Táo quân vi hành” nhàm chán còn bởi một số tình huống gây cười bị lặp đi lặp lại. Lấy ví dụ, cuộc đối thoại giữa Ngọc Hoàng và cậu nhóc Việt kiều bập bẹ nói tiếng Việt từ hài hước chuyển sang gây mệt mỏi vì màn dịch thuật khó khăn kéo dài khá lâu.

“Táo quân vi hành” cũng bị chê thiếu những câu nói, bài hát chế tạo ra xu hướng trên mạng xã hội giống như “Táo quân”. Tuy nhiên, một số khán giả cho rằng các câu nói của “Táo quân vi hành” dù không thành trend nhưng lại chạm được cảm xúc của những người Việt xa xứ.

“Để học tiếng Việt thì giang hồ hiểm ác còn hơn ngữ pháp Việt Nam", "Bố đánh con đi, bố đánh con, con gọi Police", "Nói chuyện với bác đúng theo kiểu dân nhà mình gọi là "nước đổ đầu vịt" còn bên này gọi là "nước đổ đầu ngỗng" là những câu nói ấn tượng của “Táo quân vi hành”.

Công bằng mà nói, ngoài format mới, điểm sáng của “Táo quân vi hành” chính là khả năng diễn xuất. Nghệ sĩ Quốc Khánh diễn tròn vai từ Ngọc Hoàng oai nghiêm đến anh giữ xe khép nép. Nghệ sĩ Công Lý hóa thân thành công vào nhân vật Bắc Đẩu phải gồng mình cứng rắn dù ham mê sắc đẹp.

Xuân Bắc đóng 2 vai, vừa là Nam Tào vừa là anh trai Nam Tào. Nhân chuyến vi hành, Nam Tào trốn về thăm gia đình nhưng chỉ kịp gặp anh trai mà không thể gặp cháu. Nhiều khán giả cho biết họ xúc động khi thấy Xuân Bắc nghẹn lòng vì không gặp được người cháu.

Giống Xuân Bắc, Quang Thắng cũng có phân cảnh gây xúc động. Trong “Táo quân vi hành”, trong vai người bố tạm gác giấc mơ làm kỹ sư chế tạo máy để bán hàng ở chợ vì vợ con, Quang Thắng đã bật khóc khi nghe con trai nhớ lại những ngày bố sang Tây lập nghiệp đầy khó khăn.

Nghệ sĩ Tự Long - Quốc Khánh.

Xuân Bắc nghẹn lòng trong chương trình.

Quang Thắng bật khóc.

Rõ ràng “Táo quân vi hành” không quá xuất sắc nhưng vẫn là món ăn tinh thần đáng xem, đặt biệt với những người Việt xa xứ. Hiện tại, trước những ý kiến trái chiều về chương trình, ê-kíp chưa lên tiếng.

Mời quý độc giả xem trailer "Táo quân vi hành". Nguồn VTV

Thu Cúc (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-tri/tao-quan-vi-hanh-bi-khan-gia-che-xam-vi-dau-nen-noi-1331861.html