Tạo quỹ đất dành cho đầu tư bến, bãi vận tải

Hệ thống bến, bãi trên địa bàn thành phố hiện được chia thành bảy loại hình, gồm bãi kỹ thuật xe buýt, bến xe buýt, bến xe liên tỉnh, bãi đỗ ô-tô, bãi đỗ ta-xi, bến ô-tô hàng, bến hàng hóa; tổng diện tích hơn 225 ha, với 35 vị trí, như vậy là còn thiếu khoảng 920 ha và 91 vị trí. Đặc biệt, bãi xe ô-tô, xe cá nhân chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1%, nhất là các bến, bãi ở cửa ngõ thành phố, dẫn đến việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, làm giảm diện tích giao thông, cản trở người đi bộ. Đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho biết: Trong quá trình tổ chức lập phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, một số quận, huyện đã thay đổi vị trí, quy mô so với quy hoạch chung. Quan trọng hơn, một số vị trí quỹ đất có chức năng bến, bãi phục vụ cho xe buýt dù đã được đưa vào danh mục đầu tư công nhưng đã bị thay đổi quy hoạch thành chức năng khác. Đơn cử, theo quy hoạch Ga Hòa Hưng có bến xe buýt. Song trong quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) lại không bố trí bến xe buýt trong ga này cho nên không thể triển khai được dự án. Còn tại quận 7, theo quy hoạch, bến xe buýt được bố trí trong khuôn viên Cảng Tân Thuận do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn quản lý. Tuy nhiên, Cảng Tân Thuận lại nằm trong nhóm cảng phải di dời ra khỏi nội thành sau năm 2020. Do đó, việc đầu tư xây dựng bến xe buýt bị động, chưa thể triển khai được…

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay thành phố có hơn 10.000 xe công-ten-nơ, ngoài một số doanh nghiệp (DN) vận tải có bãi riêng thì vẫn còn hơn 80% DN vận tải phải đi thuê bãi. Do thiếu bãi đỗ xe trầm trọng cho nên hầu hết các DN vận tải đều phải “đỏ mắt” tìm thuê mặt bằng. Và khi giá thuê mặt bằng ở nội thành, gần cảng cao, nhiều DN vận tải đã chọn khu vực vùng ven thành phố với mức phí từ 30 đến 50 triệu đồng/bãi tùy theo diện tích. Thuê với giá khá cao nhưng các DN vận tải cũng luôn thấp thỏm lo lắng vì không biết lúc nào khu đất được thuê bị đòi lại hoặc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án của Nhà nước. Đồng thời, với việc thuê bãi đỗ xe nằm cách xa các cảng biển, chi phí nhiên liệu sẽ tăng cao và mất nhiều thời gian đi lại, làm đội chi phí vận chuyển, gây không ít khó khăn cho các DN.

Nhằm khắc phục thực trạng trên, Sở GTVT thành phố đang đề nghị các đơn vị liên quan tập trung rà soát, xác định vị trí, quy mô diện tích cụ thể từng bến, bãi làm cơ sở đầu tư theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, phát triển các bến, bãi trung chuyển xe buýt gần các nút giao giữa đường trục chính đô thị với tuyến vành đai 2, vành đai 3, tạo các điểm thu hút và kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng với nhau, làm cơ sở điều chỉnh mạng lưới tuyến, giảm hệ số trùng lắp… Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ có tám bãi đỗ xe ngầm, được bố trí ở các điểm: Công trường Lam Sơn, Sân vận động Hoa Lư, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Chi Lăng, Vườn hoa Tao Đàn, Công viên Bách Tùng Diệp, Đại lộ Nguyễn Huệ và bãi đậu xe ở 116 đường Nguyễn Du. Tuy nhiên, theo quyết định mới nhất, ba địa điểm: Công trường Lam Sơn, Công viên Bách Tùng Diệp và Đại lộ Nguyễn Huệ sẽ bị ngưng xây dựng do… “không còn hợp quy hoạch”. “Chỉ cần có mặt bằng, chúng tôi có thể tiến hành xây dựng ngay những bãi đậu xe thông minh nhiều tầng…”, đó là phát biểu của đại diện Công ty cổ phần tự động hóa Tân Phát, một trong nhiều đơn vị thiết kế, xây dựng và kinh doanh các bãi đỗ xe thông minh nhiều tầng, quản lý bằng phần mềm chuyên dụng. Công nghệ mới cho phép có thể xây dựng những điểm đỗ xe nhiều tầng bằng thép trên những diện tích chật hẹp, từ nhà riêng đến cơ quan, địa điểm công cộng. Những điểm đỗ xe này được điều khiển và quản lý thông qua hệ thống máy tính, với nhiều hình thức như: Hệ thống bãi đỗ xe xoay vòng đứng; bãi đỗ xe dạng xếp hình; bãi đỗ xe tự động từng tầng di chuyển độc lập; bãi đỗ xe tự động thông minh xoay vòng ngang… Ưu điểm của những bãi đỗ xe tự động thông minh này là chi phí xây dựng thấp, tiết kiệm diện tích đất và dễ dàng nâng cao hiệu suất sử dụng diện tích mặt bằng để có thể giữ nhiều xe cùng lúc. Chỉ với 40 m2, có thể xây dựng hệ thống giữ xe trục đứng, cùng lúc tiếp nhận được sáu ô-tô loại bốn chỗ… Vấn đề quan trọng nhất đối với những nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh bãi đỗ xe là quy hoạch ổn định, ưu đãi đầu tư và chính sách quản lý thống nhất… để họ yên tâm và sẵn sàng bỏ kinh phí đầu tư.

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết: Sở đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các quận, huyện nhanh chóng hoàn tất thủ tục, bố trí đủ nguồn vốn để triển khai đầu tư đúng tiến độ đối với các bến, bãi hiện đã có chủ trương đầu tư. Đối với các vị trí bến xe buýt được quy hoạch lồng ghép bố trí trong các dự án, các công trình phức hợp, Sở kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai dự án và giao bến xe buýt để quản lý và khai thác.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38292602-tao-quy-dat-danh-cho-dau-tu-ben-bai-van-tai.html