Tạo ra giá trị mới cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn

Đến nay, cả nước có gần 51% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 91 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên tình hình kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét. Nhiều cơ chế đầu tư ngày càng minh bạch, các tỉnh đã phát huy được vai trò làm chủ của người dân, các nguồn lực xây dựng nông thôn mới đã được huy động và sử dụng có hiệu quả.

Nhằm đánh giá sơ bộ những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2010-2020 cũng như tìm hiểu rõ hơn về việc huy động, phân bổ các nguồn lực và công tác tuyên truyền sâu rộng về việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, ngày 8/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới”.

Thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng là thôn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng là thôn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Đánh giá khái quát diện mạo bức tranh nông thôn mới hiện nay so với những thời điểm trước, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Văn Môn cho biết, dù mức độ đạt được có khác nhau ở các vùng, miền, nhưng nhìn tổng thể, bức tranh nông thôn Việt Nam đã có khởi sắc thay đổi rất nhiều, từ không gian đến cảnh quan, điều kiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Điều này đã được cả hệ thống chính trị và người dân khẳng định tính đúng đắn và định hướng rất rõ của Nghị quyết 26 về “tam nông” cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Nhìn về những điểm tích cực trong chủ trương, giải pháp thực hiện chương trình, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho rằng, đó là sự bền bỉ để đi từ không đến có, từ số ít đến số nhiều, từ làng quê đến thành phố, thậm chí là sự huy động con em ở nước ngoài tham gia. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp để tăng thu nhập cho người dân, chúng ta đã kịp thời điều chỉnh xoay trục nông sản, vì vậy vẫn giữ ổn định xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, kích hoạt du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái ở những vùng đồng bằng, làng nghề, và ở cả khu vực miền núi: Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên… Nông thôn mới đã tạo ra một giá trị mới cho định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn.

Nam Định là một trong số các địa phương được đánh giá làm tốt nhất trong việc xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định Nguyễn Sinh Tiến, tỉnh luôn xác định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, liên tục và không có điểm dừng. Kết cấu hạ tầng nông thôn tại Nam Định được đầu tư, cải tạo, nâng cấp tương đối đồng bộ, góp phần phục vụ tốt cho sản xuất và phòng chống thiên tai. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có những bước phát triển mới, thu nhập người dân nông thôn so với năm 2010 tăng gấp 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo tính đến tháng 6/2019 còn dưới 2%. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển.

Đến hết năm 2018, Nam Định có 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới; đến hết tháng 7/2019 có 100% số huyện, thành phố đã được Trung ương công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đặt ra. Cùng với Đồng Nai, Nam Định là một trong hai địa phương dẫn đầu toàn quốc về phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đề cập đến bài học kinh nghiệm để giai đoạn tiếp theo triển khai được tốt hơn, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, bài học đầu tiên là việc thiết kế mẫu hình nông thôn mới trong kinh tế nông thôn về làng, nghề thủ công, du lịch và sản xuất nông nghiệp phải ăn khớp với nhau, nương tựa vào nhau cùng phát triển. Nếu cấu trúc ấy không được hoạch định, thiết kế ngay từ ban đầu thì quá trình vận hành sẽ gặp nhiều khó khăn. Bài học thứ hai là sự chuẩn bị của cấp ủy, sự vào cuộc của chính quyền, địa phương, các tổ chức xã hội, phải chống bằng được sự ỷ lại, trông chờ vào vốn của Nhà nước, sự ngại khó, ngại khổ, ngại vận động nhân dân trong quá trình tổ chức lại sản xuất hoặc quá trình giải quyết vấn đề môi trường. Bài học thứ ba là không nên gò ép về mặt chỉ tiêu, không nên nóng vội, bởi nó sẽ dẫn đến hai hậu quả là bệnh thành tích và đầu tư không hiệu quả.

Giai đoạn tới đây, việc xây dựng nông thôn mới ở gần 50% số xã còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi đây là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cần suất đầu tư lớn. Theo ông Trần Văn Môn, để xây dựng nông thôn mới thành công ở những địa phương này, trước mắt, Ban Chỉ đạo Trung ương cần nhân rộng và xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn bản, ưu tiên nguồn lực cho xã khó khăn gấp 4 - 5 lần xã bình thường, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động doanh nghiệp, nhà tài trợ tập trung đầu tư vào các vùng khó khăn, đặc biệt là các vùng căn cứ cách mạng; phát triển du lịch gắn với nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2030 để huy động mọi nguồn lực và động viên, khuyến khích sự thi đua đúng chất của nó.

“Nhịp độ phụ thuộc vào nguồn ngân sách và nguồn tài chính bởi chủ trương đổi đất lấy công trình ở miền núi càng ngày càng khó khăn. Trước hết, cần có cơ chế đặc thù cho những vùng đặc biệt và vùng khó khăn như hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất sản xuất để tất cả mọi người đến tuổi lao động được lao động và tạo nên yếu tố thu nhập”, ông Hoàng Trọng Thủy nói. Ông cũng cho rằng, cần bố trí, sắp xếp lại khu dân cư để người dân tránh được lũ quét, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu; hỗ trợ tín dụng cho người nông dân, các tổ nhóm hợp tác xã; đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để họ có thể vận động nhân dân, tổ chức sản xuất.

Đối với địa phương, có 5 việc cần làm. Thứ nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp để họ liên kết, dẫn dắt. Thứ hai, đầu tư cho thủy lợi, nước tưới tiêu, giao thông từ vùng nguyên liệu đến nơi sản xuất, nếu không giải quyết được thì chất lượng nông sản rất thấp. Thứ ba, hỗ trợ dự án khởi nghiệp cho nông dân, người trẻ để tạo ra những con người thực, mô hình thực ngay trên địa bàn. Thứ tư, đào tạo chương trình khoa học kĩ thuật cho nông dân, chủ trang trại để tạo ra các sản phẩm nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Thứ năm, phải nghiêm cấm việc vay quá lớn, vượt qua năng lực, hấp thụ không hết sẽ gây ra hậu quả rất lớn.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/tao-ra-gia-tri-moi-cho-phat-trien-kinh-te-van-hoa-xa-hoi-nong-thon-20191008202313098.htm