Tạo ra nguồn cung cấp máu vô hạn nhờ tế bào gốc

Có lẽ ở thì tương lai, kêu gọi hiến máu sẽ không còn cần thiết vì các nhà khoa học tuyên bố họ có thể tạo được máu từ tế bào gốc.

Đối với bệnh nhân tiếp nhận điều trị ung thư, các rối loạn về máu, điều trị sau tai nạn hoặc trong quá trình phẫu thuật, những bà mẹ mất máu khi sinh con, thì máu là một phần thiết yếu của quá trình chăm sóc sức khỏe.

Việc tạo ra tế bào gốc máu và máu lần đầu tiên được thực hiện thành công sau 20 năm - Ảnh: Telegraph

Nhưng NHS Blood and Transplant - dịch vụ thu thập, xét nghiệm và xử lý máu cho các bệnh viện trên khắp nước Anh - cho biết cần có thêm nhiều người hiến tặng để các bệnh viện đủ lượng máu cần thiết điều trị cho bệnh nhân. Trong khi tại Anh, số người hiến máu lần đầu năm 2015 đã giảm 24,4% so với năm 2005.

Nhóm nghiên cứu đến từ Boston bắt đầu bằng tế bào gốc phôi thai và đưa chúng vào một loại hỗn hợp hóa học nhằm kích hoạt sự biến đổi của chúng thành một mô và cuối cùng thành tế bào gốc máu. Khi mô được cấy ghép ở chuột, các tế bào máu mới được tạo ra.

Tiến sĩ George Daley, người đứng đầu phòng thí nghiệm thuộc Chương trình Tế bào gốc Thiếu nhi của Bệnh viện Nhi đồng Boston, và là Hiệu trưởng Trường Y khoa Harvard, nói: "Công việc này là đỉnh cao của hơn 20 năm phấn đấu".

Nghiên cứu hứa hẹn việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân cho các bệnh liên quan đến rối loạn máu và giảm tình trạng thiếu hụt máu hiến như hiện tại.

Tiến sĩ Ryohichi Sugimura, thuộc Bệnh viện Nhi Boston, cho biết: “Việc này cho phép chúng ta có được nguồn cung cấp tế bào gốc máu và máu không hạn chế bằng cách lấy tế bào từ những người hiến tặng thông thường. Bước tiến này mở ra cơ hội lấy tế bào từ bệnh nhân rối loạn máu di truyền, sử dụng công cụ chỉnh sửa gene để sửa chữa khuyết tật di truyền của họ và làm cho các tế bào máu hoạt động đúng chức năng cần có”.

Dù chỉ mới thành công trên động vật nhưng 2 nghiên cứu mới thành công này mở ra tương lai không thiếu máu trong điều trị y tế - Ảnh: Telegraph

Một nhóm nghiên cứu thứ hai, đứng đầu là giáo sư Shahin Fafii, thuộc Đại học Cornell, cũng đã thành công trong việc biến tế bào chuột thành tế bào gốc máu. Và khi những con chuột bị tiêu diệt hệ thống miễn dịch được đưa vào cơ thể các tế bào gốc máu, chúng lấy lại được các tế bào máu miễn dịch. Nếu điều này có thể được lặp lại thành công ở người, thì sẽ cung cấp cách để điều trị một loạt các bệnh rối loạn miễn dịch.

Cả hai nghiên cứu trên được mô tả trong các bài báo riêng trong tạp chí Nature. Tiến sĩ Caroline Guibentif, một chuyên gia của Đại học Cambridge, đồng tác giả bài bình luận về hai bài báo nghiên cứu, nhấn mạnh rằng cả hai đều là “bước đột phá to lớn".

Tuy nhiên, vấn đề tiềm tàng khi sử dụng tế bào gốc theo cách này là nguy cơ chúng có thể trở thành ung thư.

Ly Hồ (Theo Independent, Telegraph)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tao-ra-nguon-cung-cap-mau-vo-han-nho-te-bao-goc-c7a529572.html