Tạo thế kiềng ba chân trong quản lý nợ công

Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công, đó là để ba bộ, ngành cùng tham gia quản lý nợ công là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hay thu về một đầu mối là Bộ Tài chính?

Ảnh minh họa. Nguồn: Hà Nội Mới

Các quy định của dự thảo luật là phù hợp

Theo dự thảo Luật Quản lý nợ công, Điều 19 quy định Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế...

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 16-6, nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự nhất trí với các nội dung như dự thảo đề ra.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) tán thành quan điểm để Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NHNN thực hiện các phần việc liên quan theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan; tiếp tục giao cho NHNN thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết Thỏa thuận vay với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vì NHNN đang là đại diện tại hai tổ chức này. “Việc duy trì mô hình hiện nay sẽ giúp bảo đảm tính chuyên nghiệp về bộ máy và đại diện. Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ khi giao ngân hàng Trung ương chức năng đại diện và đàm phán ký kết thỏa thuận vay vốn với các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, việc phân công do Chính phủ thực hiện là phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ”-ông Cường khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Chính phủ thống nhất quản lý nợ công và giao các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ, chức năng liên quan theo dự thảo là phù hợp. Đến nay chưa nên thay đổi, nếu thay đổi sẽ trái với Luật NHNN Việt Nam giao NHNN là đại diện, ký kết thỏa thuận vay vốn với WB, ADB. Trên thực tế, NHNN đang làm tốt nhiệm vụ này. Ngoài ra, dự thảo quy định Chính phủ phân công nhiệm vụ của các đơn vị liên quan trong thống nhất quản lý nợ công là phù hợp với Nghị quyết 07-NQ/TW và thẩm quyền của Chính phủ”.

Cũng với quan điểm không nên quản lý tập trung vào một bộ, đại biểu Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) đánh giá: “Quy định như hiện tại là phù hợp, có kế thừa các luật liên quan. Việc quy định như vậy cũng phù hợp với thực tế thể chế của Việt Nam và trong phân công bảo đảm Chính phủ quản lý tập trung”.

Một số đại biểu cũng cho rằng, nếu soi chiếu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay WB thì cũng không có một mô hình mẫu nào về quản lý nợ công. Tùy theo thể chế, các quốc gia có thể giao một hoặc nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý nợ công. Do đó, việc tham khảo quốc tế là cần thiết nhưng cần có sự linh hoạt, không cứng nhắc.

Tránh xáo trộn và cần tăng cường phối hợp, giám sát

Cơ sở để nhiều đại biểu nêu quan điểm giữ nguyên việc quản lý nợ công như dự thảo luật là không muốn tạo nên sự xáo trộn, đặc biệt là phải sửa đổi nhiều luật có liên quan... Vấn đề quan trọng là các bộ, ngành được giao thực hiện nhiệm vụ này cần phải tăng cường sự phối hợp, giám sát lẫn nhau.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng: “Về đề xuất dồn trách nhiệm quản lý nợ công vào một bộ, cần cân nhắc tính hiệu quả vì sẽ dẫn đến nhiều thay đổi từ các văn bản pháp luật đến bộ máy, quy trình con người. Thời điểm này chưa nên có những xáo trộn về các luật liên quan, nhất là Luật NHNN Việt Nam trong đó quy định NHNN là đại diện tại WB, ADB. Vì vậy, NHNN thực hiện vai trò đàm phán ký kết thỏa thuận vay vốn với WB và ADB là phù hợp. Thay vào đó cần tập trung cải thiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị nhằm bảo đảm thông tin liên lạc đầy đủ và hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình quản lý nợ công an toàn và hiệu quả”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cũng nhận định: “Nếu quy về một đầu mối trong quản lý nợ công sẽ gây ra sự xáo trộn không cần thiết”. Đại biểu cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công chính là phải “phân công nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NHNN một cách khoa học, chặt chẽ, không chồng chéo giữa các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm sự giám sát lẫn nhau”.

Nếu dự án Luật Quản lý nợ công được thông qua với sự tham gia quản lý của ba bộ, ngành nêu trên thì sẽ tạo ra thế kiềng ba chân, với các chức năng nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm việc quản lý nợ công sẽ toàn diện hơn, thuận lợi hơn.

LAM SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-the-kieng-ba-chan-trong-quan-ly-no-cong-510203