Tạo thế và lực mới bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Quảng Bình là tỉnh tiếp giáp với hai tỉnh Khăm Muộn và Sa vẳn Na Khệt, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có đường biên giới đất liền dài 201,8km với 61 cột mốc quốc giới, 1 cọc dấu và đường bờ biển dài 116,2km. Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, đã tạo thế và lực giúp BĐBP Quảng Bình bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình giúp đồng bào bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy dựng lại nhà sau bão. Ảnh: Đức Trí

PV: Đồng chí có thể cho biết đôi nét về đặc điểm tình hình khu vực biên giới đất liền, vùng biển của tỉnh Quảng Bình?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Khu vực biên giới (KVBG) đất liền tỉnh Quảng Bình hiện có 9 xã, thuộc 5 huyện biên giới, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc ít người (trong đó, đồng bào dân tộc Chứt và Bru Vân Kiều chiếm đa số), sinh sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn.

KVBG biển gồm 20 xã, phường thuộc 3 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trong KVBG đất liền có cửa khẩu quốc tế Cha Lo và cửa khẩu phụ Cà Roòng, là cửa ngõ lưu thông hàng hóa, người, phương tiện, qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực.

Tại KVBG tuyến biển có cảng biển Hòn La, cảng Gianh, cửa sông Roòn, Lý Hòa, Nhật Lệ và cửa Gianh, là nơi ra vào của các loại tàu, thuyền hoạt động trên biển. Đây cũng chính là khu vực cầu nối để giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác đối ngoại, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Những năm qua, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc trên biên giới, vùng biển của tỉnh không ngừng được cải thiện, khởi sắc; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; chủ quyền lãnh thổ, biên giới, vùng biển của tỉnh được giữ vững... Trên biển, hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển của Việt Nam vẫn diễn ra; tình trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng nội thủy của ta khai thác hải sản trái phép...

Các thế lực thù địch, phản động còn triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, những bất cập nảy sinh trong đời sống xã hội để hoạt động chống phá, kích động người dân khiếu kiện, tụ tập đông người, biểu tình, gây phức tạp về an ninh trật tự; hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực... Tình hình trên đã tác động, ảnh hưởng nhất định đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

PV: Pháp lệnh BĐBP có vai trò quan trọng như thế nào đối với lực lượng BĐBP tỉnh trong thực thi nhiệm vụ nơi khu vực biên giới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Pháp lệnh BĐBP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 28-3-1997, có hiệu lực thi hành từ ngày 7-4-1997. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu để BĐBP nói chung, BĐBP Quảng Bình nói riêng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững chủ quyền và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Ngay khi Pháp lệnh có hiệu lực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán các cấp để quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện Pháp lệnh và các văn bản có liên quan một cách nghiêm túc, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh qua các kỳ đại hội cũng như chỉ thị về nhiệm vụ quốc phòng- an ninh hằng năm đều xác định: Nhiệm vụ công tác Biên phòng là nội dung quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và BĐBP tỉnh làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong KVBG, vùng biển; luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp, là nghĩa vụ của toàn dân, trách nhiệm của lực lượng vũ trang, trong đó, BĐBP tỉnh làm nòng cốt, chuyên trách.

PV: Đồng chí có thể đánh giá một số kết quả nổi bật của BĐBP Quảng Bình trong thi hành Pháp lệnh BĐBP?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá rất cao những đóng góp của BĐBP tỉnh trong những năm qua. BĐBP tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng, địa phương tham mưu và thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trong đó nổi bật là: Triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình biên giới, vùng biển, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; kịp thời tham mưu và xử lý hiệu quả các vấn đề xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Chủ động, phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, buôn lậu, gian lận thương mại.

Đặc biệt, những năm gần đây, BĐBP tỉnh đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn về ma túy, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ghi nhận, biểu dương. BĐBP tỉnh còn làm tốt công tác phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, giao lưu kết nghĩa, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Khăm Muộn và Sa-vẳn-na-khệt, Lào để thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu trên đất liền, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, BĐBP phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các sở, ban, ngành, địa phương tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo với nhiều đề án, mô hình, chương trình thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của tỉnh.

PV: Để công tác biên phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo đồng chí cần có chủ trương, giải pháp gì?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng quan tâm nghiên cứu xây dựng chiến lược bảo vệ biên giới và xây dựng Luật BĐBP Việt Nam để tạo hành lang pháp lý đầy đủ để BĐBP thực sự là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Tiếp tục giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của BĐBP theo mô hình 3 cấp như hiện nay là phù hợp.

Quan tâm xây dựng đường tuần tra biên giới; trang bị, vũ khí, phương tiện tuần tra trên biển theo hướng chính quy, hiện đại. Tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo; rà soát, hoàn chỉnh chế độ, chính sách đối với BĐBP và chính sách hậu phương quân đội để giúp cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP yên tâm công tác nơi biên giới, hải đảo xa xôi.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Đức Trí(Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tao-the-va-luc-moi-bao-ve-vung-chac-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia/