Tạo thị trường cho phát triển dịch vụ

Sáng ngày 18/8, tại TP - Vinh (Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo 'Phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn 2020 - 2025'

Toàn cảnh hội thảo Khoa học “Phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn 2020-2025”

Hội thảo đã phân tích những cơ hội và thách thức đối với phát triển thương mại - dịch vụ Nghệ An trong bối cảnh hội nhập quốc tế; các giải pháp thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Hội thảo cũng phân tích, dự báo phát triển thương mại, dịch vụ của thế giới và đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với phát triển thương mại, dịch vụ và Nghệ An đến năm 2025...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Lê Xuân Đại

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại cho biết, Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2016 - 2018 tăng 11,8%. Năm 2018 ước đạt 75.400 tỷ đồng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 53.700 tỷ đồng.Thươ ng mại - dịch vụ phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, phương thức kinh doanh ngày càng hiện đại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 5.500 doanh nghiệp và có hơn 143.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; tổng số vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đạt gần 150.000 tỷ đồng; lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ khoảng 290.200 người, chiếm xấp xỉ 15,6% tổng lao động toàn tỉnh.

Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo

Ông Trần Đình Thiên- Nguyên Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho hay, xuất khẩu Nghệ An tăng trưởng 3 năm qua lên đến 22,35%, mới chiếm 0,3% cả nước. Với 2.300 doanh nghiệp làm kinh doanh thương mại, hộ kinh doanh 143 nghìn hộ kinh doanh gia đình, nền tảng phát triển dịch vụ Nghệ An rất yếu. Nguyên nhân do xuất phát điểm còn thấp; chủ yếu khai thác tài nguyên, cấu trúc nông nghiệp manh mún, công nghiệp chưa phát triển mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu về những cơ hội, thách thức trong phát triển dịch vụ ở Nghệ An trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ôngTrương Đình Tuyển- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho rằng, tham gia nhiều hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới như CPTPP, VEFTA mở ra những cơ hội hớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho phát triển dịch vụ của tỉnh, nhất là thách thức đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Nghệ An nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trên địa bàn nói chung.

"Cạnh tranh giữa các địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư sẽ tăng lên trong khi Nghệ An về chỉ số PCI mới đứng ở vị trí 20. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước cũng tăng lên, trong khi các doanh nghiệp Nghệ An phần lớn quy mô nhỏ, vốn ít. Mức sống của người dân thấp hơn so với bình quân chung của cả nước… đó là những thách thức đối với Nghệ An" - ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại trên cơ sở phân tích bài toán nông sản đang trong tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thương mại đang đi chậm một bước, mới lo sản xuất mà không quan tâm nhiều đến thương mại, do đó, Nghệ An cần tổ chức lại thương mại, đặc biệt quan tâm phát triển chợ đầu mối.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-thi-truong-cho-phat-trien-dich-vu-107534.html