Tạo thuận lợi cho giáo viên ổn định cuộc sống

Khắc phục những khó khăn, bất cập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhất là tình trạng giáo viên, nhân viên hành chính nghỉ việc gia tăng, cộng với tuyển dụng giáo viên khó khăn dẫn đến nguy cơ thiếu, không đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang mới đây, đại biểu cho rằng, quá trình bố trí, điều động giáo viên, nhân viên cần tính toán, sắp xếp vị trí làm việc hợp lý để tạo thuận lợi cho giáo viên, nhân viên ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng nghỉ việc. Cùng với đó, cần tích cực tham mưu, quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo để từng bước đáp ứng nhu cầu cuộc sống...

Nguy cơ thiếu giáo viên

Theo đại biểu, những năm qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo. Nhiều cơ chế, chính sách được tỉnh ban hành nhằm đầu tư, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 93,1%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 94,5%, mức độ 2 đạt 20,2%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học rất được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn… Tuy nhiên, trước quy định pháp luật, yêu cầu về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục - đào tạo đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, đáng chú ý, cấp tiểu học thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển dụng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển có trình độ đại học trở lên. Giáo dục mầm non chưa có giáo viên để thực hiện nhiệm vụ huy động trẻ ra lớp. Theo lộ trình dự kiến năm học 2022 - 2023, để huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ 24,2%, ngoài huy động xã hội hóa, cần bố trí thêm 666 giáo viên mầm non. Quy mô học sinh liên tục tăng trong khi tổng biên chế giáo viên không được giao tăng hoặc giáo viên mầm non, tiểu học được Trung ương giao tăng nhưng không đủ bù cho chỉ tiêu 10% tinh giản biên chế.

Cùng với đó, từ năm học 2020 - 2021 đến nay, tình trạng giáo viên, nhân viên hành chính nghỉ việc là 184 người và có chiều hướng gia tăng ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, năm sau gấp đôi năm trước; cộng với tuyển dụng giáo viên khó khăn dẫn đến nguy cơ thiếu, không đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Cũng theo phân tích của đại biểu tại kỳ họp, việc giáo viên và nhân viên hành chính xin nghỉ việc trong thời gian vừa qua, nhất là những khu vực có nhiều khu, cụm công nghiệp đến từ nhiều nguyên nhân như: hiện nay, mức lương của ngành giáo dục rất thấp so với yêu cầu và áp lực công việc, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp so với lĩnh vực doanh nghiệp. Đội ngũ nhân viên hành chính trường học ngoài lương ra, không có các chế độ phụ cấp ưu đãi khác.

Bên cạnh đó, một số giáo viên, nhân viên được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn thiếu thốn, đường sá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc chăm sóc gia đình. Việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông khiến công việc của giáo viên ngày càng tăng, một số thầy cô lớn tuổi, sức khỏe không tốt nên cũng muốn nghỉ sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn.

Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang về lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Quan tâm chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi

Khắc phục tình trạng trên, đại biểu cho rằng, quá trình bố trí, điều động giáo viên, nhân viên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần bố trí vị trí làm việc hợp lý: gần nhà, nơi có nhà công vụ... để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, nhân viên ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng nghỉ việc.

UBND tỉnh, Sở Nội vụ giao tăng chỉ tiêu tuyển hoặc hợp đồng giáo viên hàng năm, nhất là giáo viên mầm non để thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ và bù lấp số giáo viên nghỉ việc; tiếp tục cho phép các huyện, thành phố hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tiếp tục tuyển giáo viên đợt 2 vào đầu năm 2023 với những cấp học chưa tuyển đủ hoặc thiếu nguồn tuyển trong đó có mầm non, tiểu học. Chỉ đạo UBND huyện, thành phố sắp xếp, bố trí giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu, mất cân đối cơ cấu giáo viên khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, cần tích cực tham mưu với Trung ương, tỉnh quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục thu hẹp khoảng cách với khối doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu cuộc sống; tiếp tục đề xuất với Trung ương không thực hiện tinh giản biên chế 10% đối với sự nghiệp giáo dục để đáp ứng việc tăng quy mô học sinh.

THÁI AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/tao-thuan-loi-cho-giao-vien-on-dinh-cuoc-song-i313903/