Tạo thuận lợi thương mại: 'Chìa khóa' của tăng trưởng

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) Mai Tiến Dũng khẳng định cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua và Chính phủ xác định đây chính là 'chìa khóa của tăng trưởng'.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Hôm qua (10/9), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp với Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) và Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam.

Tiết kiệm 4.000 tỷ đồng

Thông tin tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện có và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), áp dụng chế độ hậu kiểm và quản lý rủi ro, cơ chế công nhận lẫn nhau, cơ chế một đầu mối quản lý… để tạo thuận lợi cho quá trình giao thương xuyên biên giới, kết quả đạt được đến nay là khá ấn tượng.

Cụ thể, về cải cách hoạt động KTCN: các Bộ đã ban hành 15 văn bản để thực thi cải cách hoạt động KTCN, đã cắt giảm 1.700/9.926 dòng hàng, đạt 34,3% so với yêu cầu của Chính phủ và đạt 28,3% so với dự kiến. “Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ đề ra…”-Bộ trưởng khẳng định.

Về cắt giảm ĐKKD, đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa 968/6.213 ĐKKD (thuộc phạm vi quản lý của các Bộ: Công Thương, Xây dựng và một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT, Bộ VH,TT&DL, đạt 31,27% theo yêu cầu của Chính phủ và đạt 25,51% so với dự kiến của Bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, đến nay, các bộ đã trình Chính phủ 23 nghị định, trong đó, 04 nghị định đang được lãnh đạo Chính phủ xem xét trước khi ký ban hành; 15 nghị định đã và đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ, số còn lại đang được Văn phòng Chính phủ và Bộ chuyên ngành xử lý, hoàn thiện để trình Chính phủ. “Dự kiến sau khi Chính phủ ban hành các nghị định thực thi cắt giảm ĐKKD thì số ĐKKD được cắt giảm theo phương án của các bộ sẽ là trên 2.800 ĐKKD..”- Bộ trưởng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, nếu như năm 2016, DN mất 30 triệu ngày công và 14 300 tỷ đồng cho thủ tục xuất nhập khẩu, trong đó thủ tục liên quan đến hải quan chỉ khoảng 28%, thì năm 2017, với 11 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu, DN đã tiết kiệm 200 triệu USD, tương đương trên 4.000 tỷ đồng nhờ việc cắt giảm ĐKKD, thủ tục KTCN.

Kết quả này đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng: Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam tăng 6,81% và dự kiến năm 2018 tăng 7%. Xếp hạng của Việt Nam trong bảng đánh giá của các tổ chức quốc tế tiếp tục được cải thiện, cụ thể chỉ số đổi mới toàn cầu xếp thứ 45/126 quốc gia, nền kinh tế (tăng 2 bậc so với năm 2017); Chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 11 bậc, đứng thứ 3 khu vực ASEAN); Chỉ số logistics xếp thứ 39/160 quốc gia (tăng 25 bậc so với năm 2016); Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu Việt Nam tăng 5 bậc, xếp hạng 55…

Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành

Được biết, các đây 1 năm, Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) đã công bố một dự án đột phá nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với hậu thuẫn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho Tổng cục Hải quan Việt Nam, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm của Bộ Tài Chính và các bộ, ngành tham gia quản lý lĩnh vực thương mại tại Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, năm 2017.

Dự án có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ các quốc gia thành viên của WTO để trợ giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách các thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu. Dự án bao gồm việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý; hỗ trợ vận hành và công nghệ thông tin cho hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các trợ giúp khác trong việc nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại.

Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép các bộ ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phối hợp với những quy trình thủ tục được xây dựng và triển khai bởi Tổng cục Hải Quan và Bộ Tài Chính Việt Nam. Tiếp theo đó là các phiên làm việc đã và đang được triển khai giữa GATF cùng Tổng Cục Hải quan Việt Nam và các bộ ngành để phát triển chương trình thí điểm 1 năm tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2019

Tại Hội nghị, ông Jose Raul Perales, Phó Giám đốc GATF ghi nhận những kết quả bước đầu Việt Nam đã đạt được và khẳng định với nỗ lực tạo thuận lợi thương mại sẽ góp phần chuyển đổi Việt Nam thành Trung tâm xuất khẩu toàn cầu, điều này tốt cho cả khu vực tư nhân và cả khu vực công. “Rất mong sự hỗ trợ các Bộ ngành để triển khai dự án thành công ở Việt Nam…”- ông Jose Raul Perales phát biểu.

Áp dụng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới với 126 quốc gia vào dữ liệu thương mại năm 2016 của Việt Nam cho thấy, việc giảm 1 ngày trong thời gian xử lý thương mại và thông quan xuất khẩu sẽ dẫn đến mức tăng tối thiểu 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, tương đương 2.13 tỷ USD. Đối với một số mặt hàng quan trọng trong nông nghiệp và các hàng hóa nhạy cảm với thời gian, mức tăng có thể lên đến 6%. Giảm 5 ngày sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 10.65 tỷ USD. Một nghiên cứu khác cho thấy lợi ích từ việc tăng 10% tính minh bạch lên theo yêu cầu của WTO TFA sẽ mang lại kim ngạch nhập khẩu hàng năm là 8,7 tỷ USD.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/tao-thuan-loi-thuong-mai-chia-khoa-cua-tang-truong-411815.html