Tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện nay, người dân có thể ngồi tại nhà thực hiện các thủ tục hộ tịch và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch trong các giao dịch, thủ tục hành chính. Điều này không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Cầu Giấy. Ảnh: Hồ Bách

Giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Cầu Giấy. Ảnh: Hồ Bách

Điểm sáng trong cải cách hành chính

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, từ ngày 1-1-2023, theo Luật Cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết hiệu lực. Liên quan vấn đề này, Bộ Tư pháp đã rà soát 5 văn bản điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch đang có hiệu lực thi hành; ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30-12-2022 bãi bỏ một số nội dung tại các thông tư trong lĩnh vực hộ tịch, trợ giúp pháp lý và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-BTP ngày 14-11-2022 công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, khi đăng ký hộ tịch, người yêu cầu không phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy…

Như vậy, pháp luật về hộ tịch đã đi trước và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu, thông tin đã có với các cơ sở dữ liệu để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là việc không yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú đối với trường hợp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo báo cáo của các sở tư pháp, đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, giảm tải cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai đăng ký khai sinh trực tuyến; 62/63 tỉnh, thành phố cho phép đăng ký khai tử trực tuyến, đăng ký kết hôn trực tuyến...

Tại Hà Nội, hiện 100% đơn vị cấp xã đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh, thi hành đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Qua đó, các cơ quan quản lý theo dõi được toàn bộ quá trình, tiến độ công việc của các cơ quan thực hiện; đồng thời có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.

Thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con gái mới sinh, chị Đoàn Diệp Anh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, trong chưa đầy 30 phút chị đã hoàn thành thủ tục cấp giấy khai sinh đồng thời với thẻ bảo hiểm y tế theo dịch vụ công liên thông. “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến để đăng ký khai sinh nhưng bây giờ tích hợp cấp cả thẻ bảo hiểm y tế kèm đăng ký thường trú, lại không phải đến nhiều cơ quan, chờ đợi dài ngày như trước đây”, chị Đoàn Diệp Anh chia sẻ.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Có thể thấy, cùng với sự vào cuộc của Bộ Tư pháp và các địa phương, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực hộ tịch có điểm nhấn, thực hiện tương đối quyết liệt, xuyên suốt, cơ bản. Mặc dù vậy, quá trình triển khai cho thấy còn một số “điểm nghẽn” nhất định.

Cụ thể, việc triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Bởi gần 20.000 cán bộ tư pháp hộ tịch hiện nay đang phải đảm đương nhiều công việc, nên một số thao tác xử lý chậm, phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung. Ngoài ra, tâm lý của một bộ phận người dân vẫn chưa quen với dịch vụ trực tuyến, nhất là về đăng ký khai tử cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện số hóa hộ tịch.

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng, để cải thiện tình trạng trên, điểm mấu chốt là cần thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng như các cơ quan khác. Trong đó, vấn đề mấu chốt là thúc đẩy công tác phối hợp, tuyên truyền, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí cho các địa phương. “Chúng ta chỉ còn 8 năm để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững và hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Cũng cần nhớ rằng, 15 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững có sử dụng các chỉ số với các dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng. Như vậy, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có thể được coi như một công cụ thúc đẩy để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững này”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Trưởng đại diện UNFPA cũng cam kết, thời gian tới, trong quá trình tiếp tục thực thi Luật Hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, UNFPA vẫn hỗ trợ Việt Nam trong công tác này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý hộ tịch trong cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài nguồn lực và cơ chế phối hợp, Bộ Tư pháp cho biết, trong tổng số gần 10.600 đơn vị hành chính cấp xã, vẫn còn gần 3.550 UBND cấp xã (chiếm hơn 33%) chỉ bố trí một công chức tư pháp, hộ tịch, trong đó không ít đơn vị đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng công chức đào tạo chuyên ngành khác được bố trí làm công tác hộ tịch.

Từ thực tiễn này, Bộ Tư pháp cho rằng các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, bố trí mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một công chức chuyên trách về hộ tịch, đủ tiêu chuẩn theo quy định. Các địa phương cần đẩy nhanh việc số hóa sổ hộ tịch, bảo đảm lưu trữ đầy đủ dữ liệu của người dân, phục vụ tra cứu, kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch. Đặc biệt, sớm hoàn thiện việc cung cấp đăng ký hộ tịch trực tuyến đối với tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân đều có thể đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/1054615/tao-thuan-loi-toi-da-cho-nguoi-dan