Tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại ở khu vực biên giới Việt - Trung

Khi trao đổi về những quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc, vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành, các chuyên gia đều khẳng định: Thông tư này tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại ở khu vực 7 tỉnh biên giới Việt-Trung, bảo đảm nguyên tắc tính thống nhất của pháp luật, tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Thông tư số 19 hướng dẫn Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới (Nghị định 14) và thay thế Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 7-6-2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc. Thông tư số 19 hướng dẫn việc thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 14 và khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay.

Thông tư số 19 đã quy định rõ ràng, cụ thể đối tượng và phạm vi áp dụng

Dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến việc NHNN ban hành Thông tư số 19, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết: Tại Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc bất di bất dịch là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành. Đó cũng là tinh thần của Hiến pháp nước ta và là nguyên tắc chủ quyền của mọi quốc gia trên thế giới. Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước. Riêng với 3 nước có chung biên giới với Việt Nam (Campuchia, Lào, Trung Quốc), giữa nước ta với các nước này đã có những hiệp định thương mại quy định về thương mại biên giới, cho phép sử dụng đồng tiền của cả hai bên trong những giao dịch tại biên giới theo các thiết chế chặt chẽ và đã được thực thi từ năm 2004.

Theo đó, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Thông tư số 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND (Việt Nam đồng) và CNY (Nhân dân tệ), cũng chỉ trong phạm vi rất hạn chế về đối tượng, về địa lý và phải thực hiện quy định thông qua hệ thống ngân hàng, kể cả đối với giao dịch tiền mặt (trong thời hạn 7 ngày).

Đối tượng của Thông tư số 19, Luật Quản lý Ngoại thương ban hành năm 2017 có mục 7 (gồm 3 điều 53, 54, 55) về hoạt động thương mại biên giới, cùng Nghị định số 14 quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới xác định rất cụ thể, chặt chẽ, như: Thế nào là hoạt động thương mại biên giới; thế nào là thương nhân và cư dân tham gia hoạt động thương mại biên giới; những địa bàn như thế nào thì được coi là biên giới, chợ biên giới; danh mục hàng hóa, dịch vụ trao đổi ở đó được xác định như thế nào?… Có nghĩa là đối tượng của Thông tư số 19 được khoanh rõ qua luật và nghị định nói trên cùng các văn bản pháp quy liên quan (như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Hộ tịch…), để giới hạn phạm vi áp dụng về con người, địa bàn, hàng hóa, phương thức kinh doanh, cách thức thanh toán… theo các quy định về thương mại biên giới, đi đôi với các công cụ giám sát của nhiều cơ quan nhà nước liên quan. Do vậy, Thông tư số 19 theo đúng luật pháp hiện hành sẽ chỉ được áp dụng trong phạm vi những giới hạn nêu trên. Quy mô giao dịch tiền tệ và phạm vi ảnh hưởng của thông tư sẽ không rộng lớn như nhiều người lo ngại. Ngay trong Thông tư số 19, các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt … cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết, khá chặt về pháp lý để Nhà nước có thể giám sát, kiểm soát được cả về giao dịch thương mại lẫn việc thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên.

TS Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV nhìn nhận: “Thông tư số 19 chỉ là quy định cho khu vực biên giới, cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc chứ không áp dụng cho toàn lãnh thổ Việt Nam. Đối tượng và phạm vi áp dụng được quy định rõ ràng, cụ thể. NHNN quy định thanh toán bằng Nhân dân tệ qua tài khoản mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới, điều này còn chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn cho Nhà nước trong quản lý”.

Nói về những khác biệt của Thông tư số 19 so với Quyết định số 689 trước đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: "Thông tư số 19 đã bổ sung hướng dẫn cụ thể về thanh toán bằng tiền mặt (là nội dung mà Quyết định số 689 chưa quy định cụ thể) để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh thời gian qua. Bên cạnh đó, Thông tư số 19 bổ sung hướng dẫn thanh toán đối với các đối tượng là cư dân và trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới và hướng dẫn các phương thức thanh toán, trong đó có phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Ngoài ra, Thông tư số 19 cũng là nhằm bảo đảm đồng bộ về mặt pháp lý khi Nghị định 14 của Chính phủ được ban hành hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương. Theo đó, Nghị định 14 yêu cầu NHNN đầu mối hướng dẫn về phương thức thanh toán thương mại biên giới. Đồng thời, Thông tư số 19 còn căn cứ các quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13-12-2005 (và bản sửa đổi ngày 18-3-2013); cũng như triển khai Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12-9-2016 giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Thuận lợi trong hoạt động thương mại ở khu vực giáp biên giới Việt -Trung

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá Thông tư số 19 được ban hành là cần thiết và đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tính mở của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động kinh tế và thanh toán quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời tạo thuận lợi cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại ở khu vực giáp biên giới của 7 tỉnh biên giới Việt-Trung.

Đánh giá về những quy định tại Thông tư số 19, theo TS Cấn Văn Lực: Những hướng dẫn, quy định tại Thông tư số 19 không phải là câu chuyện mới mà thực tế hoạt động thanh toán thương mại biên giới Việt-Trung đã được hướng dẫn triển khai theo Quyết định số 689 của NHNN từ năm 2004. Theo đó, thương nhân có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc đồng Việt Nam, hoặc đồng Nhân dân tệ qua tài khoản mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới được phép làm việc này. “Như vậy, Thông tư số 19 bảo đảm cơ sở pháp lý và đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra”, TS Cấn Văn Lực, khẳng định.

Đồng quan điểm, TS Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, nhiều năm nay, cư dân biên giới và thương nhân có hoạt động thương mại biên giới Việt-Trung cũng không có thói quen đổi sang đồng USD hay bảng Anh, nếu thanh toán vòng qua ngoại tệ thứ ba như thế thì họ cũng phải chịu thêm phí, giảm lợi nhuận… Chưa kể Việt Nam đang có quan hệ kinh tế mở, đặc biệt ở khu vực biên giới nên việc tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, giao thương ở các khu vực cửa khẩu, biên giới là cần thiết.

Ông Nhưỡng cho biết thêm: “Xung quanh khu vực biên giới, qua khảo sát của chúng tôi, có hàng nghìn lao động nhận tiền hằng tháng từ các nước mà họ lao động. Người Trung Quốc nhận tiền của người Việt Nam, người Việt Nam nhận tiền từ người Trung Quốc. Câu chuyện này diễn ra thường xuyên. Chưa kể quan hệ trao đổi hàng hóa không chỉ qua đường chính ngạch mà qua đường tiểu ngạch. Hằng ngày, có nhiều giao dịch diễn ra. Nếu không cho phép các thương nhân, cư dân biên giới sử dụng bản tệ thì khó khăn cho giao thương”.

Theo TS Cấn Văn Lực, Thông tư số 19 về cơ bản bảo đảm yêu cầu khuyến khích thanh toán qua ngân hàng, đồng thời có quy định cụ thể về nguồn thu, chi từ tài khoản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán bằng tiền mặt (yêu cầu phải nộp tiền vào ngân hàng theo thời gian quy định và phải xuất trình chứng từ đầy đủ) làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Như vậy, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại.

Hoạt động thương mại tại chợ biên giới là hoạt động hằng ngày. Việc thanh toán bằng đồng bản tệ giúp người dân có thể tiết kiệm chi phí khi không phải chuyển đổi qua một ngoại tệ thứ ba, giảm những rủi ro hay áp lực tỷ giá từ biến động của các đồng tiền trên thị trường thế giới… Ngoài ra, với Nhà nước, Thông tư số 19 khuyến khích thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại khu vực biên giới. Việc thanh toán bằng tiền mặt sau đó phải nộp tiền vào tài khoản ngân hàng giúp Nhà nước có thể quản lý được dòng tiền, quản lý được việc chu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và tránh được nguy cơ thất thu thuế…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, bà Nguyễn Thị Đào nhận xét: Thông tư số 19 vừa ban hành đã quy định rõ ràng, dễ hiểu, tháo gỡ những vướng mắc trong thương mại biên giới thời gian qua, nhất là việc xuất hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở được nhận thanh toán bằng tiền mặt nộp vào tài khoản ngân hàng chi nhánh biên giới. “Nhờ đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc, chưa kể khi khách hàng nộp tiền vào ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, xuất trình đầy đủ các chứng từ”, bà Nguyễn Thị Đào cho biết.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-thuan-loi-trong-hoat-dong-thuong-mai-o-khu-vuc-bien-gioi-viet-trung-548769