Tạo tiền đề cho ngành gỗ phát triển bền vững

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đóng góp đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo tiền đề cho ngành gỗ phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 8/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS đã tổ chức hội thảo "Thực trạng xuất nhập khẩu và chuyển dịch FDI trong ngành gỗ".

Hội thảo đã đưa ra cập nhật thực trạng xuất nhập khẩu của ngành gỗ tới hết tháng 9/2019; đồng thời cung cấp một số thông tin về rủi ro các hoạt động xuất nhập khẩu, bao gồm nhóm mặt hàng và thị trường rủi ro, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, và Việt Nam tiến tới thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VAP/FLEGT) trong tương lai; thực trạng đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam trên cả ba hình thức: Dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn và dư án góp vốn bằng mua cổ phần. Đặc biệt, hội thảo đã thảo luận và kiến nghị chính sách, thực tiễn nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư FDI trong bối cảnh thị trường thế giới đang có nhiều biến động.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tham luận tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ đang có sự phát triển ổn định. Hai tháng cuối năm là thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu để ngành có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. Nhưng, ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ về gian lận thương mại và chỉ cần xảy ra đối với một đơn vị cũng tức là xảy ra với ngành.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp ngành gỗ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới trong 9 tháng năm 2019 là 67 dự án, tương đương cả năm 2018, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD. Lượng vốn đăng ký của các dự án mới trong 9 tháng cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018. Sự mở rộng FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Vốn đăng ký trung bình dự án mới 9 tháng là 8,7 triệu USD. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đang đối diện với nhiều thách thức như gian lận thương mại, trong đó nổi lên hình thức “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”... Đây là những thách thức không nhỏ khi Việt Nam thực hiện các cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT.

Đóng góp tham luận tại hội thảo, ông Tô Văn Phúc, đại diện Tổ chức FOREST TRENDS cho rằng, các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu (gỗ tròn, xẻ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên nhiệt đới) cũng cần giảm thiểu và loại bỏ càng sớm càng tốt, nhất là khi Chính phủ đặt ra mục tiêu hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp sẽ đi vào vận hành và giấy phép FLEGT sẽ được cấp cho các mặt hàng gỗ xuất khẩu EU trong một vài năm tới. Chính vì thế, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội gỗ cần tích cực thu thập thông tin về chuỗi cung cấp gỗ nhiên liệu hợp pháp; thông tin thu thập bao gồm các cơ chế, chính sách quản lý các khâu khác nhau của chuỗi cũng như tình trạng thực thi pháp luật của các quốc gia này, từ đó loại trừ các rủi ro pháp lý đến từ các quốc gia nhập nguồn gỗ nguyên liệu.

Đóng góp giải pháp gỡ khó khăn cho ngành gỗ của nước ta hiện nay, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Thu Hương cho biết, là một trong những ngành có nguy cơ gian lận thương mại nên thời gian qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của đơn vị cho các doanh nghiệp gỗ đang chậm hơn so với các mặt hàng khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp lần đầu tiên xin cấp C/O sẽ phải chờ lâu hơn nữa. Bởi, để kiểm soát, ngăn chặn việc gian lận thương mại, đơn vị sẽ phải đi thực tế kiểm tra cơ sở sản xuất, từ nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, để xem cơ sở có đủ năng lực sản xuất sản phẩm đó hay không mới cấp C/O.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham luận đóng góp đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo tiền đề cho ngành gỗ phát triển bền vững. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư FDI, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần thực hiện rà soát nghiêm ngặt trên cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm: Đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Trong quá trình đó, các Hiệp hội gỗ địa phương sẽ là kênh thông tin hữu hiệu giúp Chính phủ nắm được tình trạng "đầu tư chui", "đầu tư núp bóng", từ đó hình thành các “bộ lọc” trong kiểm soát đầu tư FDI.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lý, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa./.

Tin, ảnh: Kim Cương

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/kinh-te/tao-tien-de-cho-nganh-go-phat-trien-ben-vung-542131.html