Tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam với tiềm lực kinh tế và công nghệ lớn, cần nhanh chóng chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ số, thực hiện sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Hệ sinh thái CĐS ngành giáo dục của VNPT đang được ứng dụng, triển khai rộng rãi ở Việt Nam trong thời gian qua

Hệ sinh thái CĐS ngành giáo dục của VNPT đang được ứng dụng, triển khai rộng rãi ở Việt Nam trong thời gian qua

Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là con đường để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.

Sự thay đổi sống còn

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng viễn thông Việt Nam đã từng ở tốp 50, nay tụt xuống tốp 100 thế giới. Sau khi tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng, các doanh nghiệp đã dừng lại khai thác, tập trung cạnh tranh về giá, mà quên rằng, viễn thông là một ngành nếu dừng đầu tư là chết, vì công nghệ viễn thông, nhu cầu viễn thông liên tục thay đổi, với tốc độ nhanh nhất trong các ngành. Việt Nam đã có 2 giai đoạn đầu tư mạnh, là những năm 1990, 2000, sau đó chững lại vào năm 2010. Năm 2020 phải là một chu kỳ mới cho đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, để tạo tiền đề cho CĐS quốc gia. Các doanh nghiệp viễn thông, đã đến lúc phải nhận lấy trách nhiệm trước đất nước để tạo ra một hạ tầng mới, hạ tầng viễn thông thế hệ mới, gọi là hạ tầng số. Hạ tầng này cần được đầu tư trước, ít nhất đưa Việt Nam vào tốp 50 về hạ tầng số, tạo tiền đề thúc đẩy CĐS quốc gia.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp viễn thông lớn ở Việt Nam đều có những thay đổi sâu sắc về mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển. Từ khai thác dịch vụ viễn thông truyền thống (bao gồm di động, cố định và internet), VNPT, Viettel, MobiFone đã đầu tư lớn để làm chủ các công nghệ mới, hạ tầng số và đều hướng đến mô hình nhà cung cấp công nghệ số đa nền tảng, dịch vụ CĐS đúng nghĩa.

Với Tập đoàn VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, VNPT là công ty viễn thông lâu đời nhất tại Việt Nam nên đổi mới sẽ khó khăn nhất. Nhưng doanh nghiệp khác con người ở chỗ có thể tái sinh. Câu chuyện tái sinh của VNPT có ý nghĩa sống còn. Trong quá trình đó, VNPT muốn tạo hạ tầng cho CĐS quốc gia, muốn thực hiện dẫn dắt CĐS quốc gia, thì đầu tiên VNPT phải CĐS cho chính mình trước. Khó nhất của CĐS là thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh, thay đổi tổ chức, con người và quy trình, sáng tạo dịch vụ mới trên nền tảng số - là các dịch vụ ngoài viễn thông. Đó là một sự thay đổi toàn diện và phải dựa trên công nghệ như Cloud, Big Data, IoT, AI…

Khát vọng về một cường quốc số

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Đức Long khẳng định, để tồn tại và phát triển, VNPT phải cởi bỏ “chiếc áo” nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu quốc gia, tiên phong trong nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới, trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam.

“Nền kinh tế số Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Thị trường vô cùng rộng lớn, cơ hội chia đều cho tất cả. Hiện tổng chi phí của doanh nghiệp cho công nghệ thông tin tại Việt Nam khoảng 69.000 tỷ đồng, tổng chi ngân sách cho công nghệ thông tin khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm 2020. Vấn đề là, VNPT làm được bao nhiêu trong số đó?”, ông Long nêu vấn đề.

Theo ông Phạm Đức Long, hiện VNPT đang nắm giữ nhiều lợi thế, mà lợi thế cạnh tranh lớn nhất là: “nói thật, làm thật”, “nói được, làm được”. Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều dự án VNPT triển khai gần đây. Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia được triển khai 2-3 năm vẫn không hoàn thành; khi VNPT được giao, thì chỉ 4-6 tháng đã đưa được vào hoạt động thông suốt. Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là ước vọng hơn 10 năm, đến khi giao cho VNPT thì chỉ trong 1 năm đã được trình làng…

Cùng với việc tích cực tham gia xây dựng, phát triển các hệ thống lớn quốc gia, VNPT còn chủ động thực hiện tư vấn lộ trình, xây dựng khung kiến trúc CĐS cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; triển khai, vận hành giải pháp toàn diện từ hạ tầng, nền tảng đến các giải pháp chuyên ngành, bảo đảm an toàn thông tin cho CĐS... Thực tế cho thấy, VNPT và nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực dẫn dắt công cuộc CĐS của đất nước.

“Phải khơi dậy khát vọng CĐS đến từng người dân, tổ chức, doanh nghiệp, xem đó là cơ hội lớn để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, cường quốc số...”, ông Phạm Đức Long chia sẻ.

QUỲNH LƯU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tao-tien-de-thuc-day-chuyen-doi-so-quoc-gia-717508.html