Tạo trang phục cổ: Thử thách của phim Việt

Dù được người trong giới nhìn nhận trang phục cho phim cổ trang Việt đang ngày càng đẹp lên nhưng hầu như các phim thể loại này luôn có ý kiến trái chiều về phục trang từ phía công chúng

Phục trang cho phim cổ xưa chưa bao giờ dễ, nhất là khi nó bị chi phối bởi yếu tố lịch sử. Đây là nỗi e ngại lớn nhất của các nhà làm phim cổ trang Việt. Nhưng gần đây, phục trang của phim cổ trang Việt phần nào thoát khỏi tình trạng quá xấu, không hợp lý và quá lai căng. Thậm chí, không ít người trong giới nhìn nhận trang phục cho phim cổ trang Việt đang ngày càng đẹp lên.

Cầu kỳ và mãn nhãn

Dù còn phải đợi thêm thời gian nữa khán giả mới có thể thưởng thức được bộ phim cung đấu Việt "Phượng khấu" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhưng những hình ảnh qua trailer cũng như được giới thiệu sống động tại buổi ra mắt đoàn phim, khán giả và người trong giới hình dung được phần nào về những bộ trang phục cầu kỳ trong phim cổ trang này.

Mẫu thiết kế trang phục cho một số nhân vật trong phim “Phượng khấu” được giới thiệu trong buổi ra mắt đoàn phim. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Mẫu thiết kế trang phục cho một số nhân vật trong phim “Phượng khấu” được giới thiệu trong buổi ra mắt đoàn phim. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Toàn bộ phần nghiên cứu, thiết kế và thực hiện những bộ trang phục vương triều Nguyễn lộng lẫy cho "Phượng khấu" đều được thực hiện bởi đơn vị chuyên phục dựng trang phục cổ Ỷ Vân Hiên. Với chất liệu cao cấp, thêu thủ công..., Ỷ Vân Hiên hy vọng phỏng dựng được phần nào cốt cách của tiền nhân.

Về mũ mão, nghệ nhân Vũ Kim Lộc (chuyên thực hiện phục dựng mũ mão triều Nguyễn) đảm trách. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết tổng số trang phục trong phim gần 300 bộ và chi phí chiếm gần 1/3 kinh phí của bộ phim. "Phượng khấu" là dự án đầu tiên nghiên cứu và phục hiện chính xác nhất có thể các loại trang phục nhà Nguyễn để đưa vào sử dụng trong phim".

Trước đó, phục trang bộ phim "Tấm Cám - chuyện chưa kể" cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng trang phục bộ phim đẹp, sử dụng nhiều kỹ thuật may thêu cổ truyền của Việt Nam: Thêu ruy băng, thêu chỉ và được làm mới bằng chất liệu, màu sắc cũng như họa tiết để bắt kịp xu thế thời trang thế giới. Tất nhiên, vẫn còn những ý kiến không thích phân tích rằng trang phục không thuần Việt và không phản ánh đúng nét văn hóa của người Việt thời xa xưa.

Xét về độ mãn nhãn, phục trang trong các bộ phim như "Mỹ nhân", "Thiên mệnh anh hùng" hay "Mỹ nhân kế"… trước đây cũng ít nhiều ghi dấu ấn về mặt sáng tạo, dù gây ra không ít ý kiến đánh giá trái chiều.

Đối mặt thử thách

Hầu như các phim cổ trang Việt khi công chiếu đều nhận những phản ứng trái chiều của công chúng về phần phục trang. Bên cạnh những lời khen, phục trang của "Phượng khấu" cũng nhận không ít ý kiến chê bai: "Trang phục lấy cảm hứng từ Trung Quốc", "giống Hoa", "thảm họa"… Những phim cổ trang Việt trước nay luôn bị soi như vậy.

Phần lớn trang phục phim cổ trang Việt thường lạ lẫm với đa phần công chúng về chất Việt nhưng lại thấy bóng dáng, màu sắc đâu đó của phim cổ trang Trung Quốc, Nhật, Hàn...

Dù khẳng định trang phục của phim mình sát sử nhất nhưng đây cũng chỉ là nhận định của ê-kíp làm phim "Phượng khấu". Phần lớn, các phim cổ trang Việt mới chỉ đạt được phần phân giai tầng xã hội một cách rõ nét trong trang phục, thông qua các chi tiết về chất liệu, màu sắc, hoa văn, họa tiết… Còn về phần tạo hình, khó có thể đưa ra con số phần trăm chính xác khi tư liệu nghiên cứu đến nay vẫn còn hạn chế.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố, tính đến nay, ngoài trang phục triều Nguyễn ra, chúng ta tìm được rất ít tư liệu về các triều đại trước đó như: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... Vả lại, công việc phục chế những bộ trang phục cổ không chỉ cần phải đối chiếu các nguồn tư liệu trong nước mà còn tham chiếu tư liệu, trang phục của các nước đồng văn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để đưa ra mẫu phục dựng và phỏng dựng gần đúng nhất với trang phục thực tế. Việc này, ngay cả những người nghiên cứu chuyên sâu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nói gì tới những đoàn làm phim. Họa sĩ Cù Minh Khôi, Hội phó Hội Đại Việt Cổ Phong (nhóm chuyên phục dựng văn hóa cổ), khẳng định: "Chúng ta phục dựng lại trang phục cổ nhưng hình dáng ra làm sao vẫn còn mông lung quá".

Một trong những đặc quyền của điện ảnh là hư cấu, cả trong nội dung lẫn phục trang. Khán giả có thể chấp nhận sự hư cấu ấy với mong muốn làm nên tổng thể hài hòa. Nhưng các nhà chuyên môn cảnh báo rằng sáng tạo nào cũng phải dựa trên nền tảng kiến thức chứ không thể "thích gì làm nấy" như nhiều bộ phim cổ trang Việt lâu nay.

Cần chuẩn hóa

Phim cổ trang Trung Quốc quá nổi tiếng, trong khi các nhà làm phim Việt đang mày mò phục chế cổ trang Việt nên việc phim cổ trang Việt bị ảnh hưởng là hoàn toàn dễ hiểu. Theo giới chuyên môn, để có thể loại bỏ tình trạng trang phục phim cổ trang Việt lai căng (chủ yếu là Trung Quốc) hay tự sáng chế quá đà, chúng ta cần có những quy định chuẩn hóa về họa tiết, hoa văn, trang phục, bối cảnh... của nước ta xưa. Khi có quy định rõ ràng, những tranh cãi cũng sẽ giảm, đồng thời tránh được những trường hợp phim cổ trang nhưng sử dụng họa tiết hiện đại, sai lệch với nguyên gốc hay phim đi đường phim còn người thiết kế tùy thích chọn trang phục không theo một quy tắc, chuẩn mực nào.

Thùy Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tao-trang-phuc-co-thu-thach-cua-phim-viet-20190613212844257.htm