Tạo việc làm cho phụ nữ lúc nhàn rỗi

Cơ sở mây tre đan Bình Diễm của chị Bùi Thị Diễm ở xóm Mới, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) những ngày này đông vui bởi chị em phụ nữ tấp nập đến nhận nguyên liệu mang về làm tại nhà. Thời gian qua, cơ sở của chị không chỉ duy trì hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, mà quy mô ngày càng được mở rộng. Từ đó, tạo việc làm cho người lao động địa phương, nhất là phụ nữ, góp phần ổn định cuộc sống.

Cơ sở mây tre đan Bình Diễm của chị Bùi Thị Diễm ở xóm Mới, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) những ngày này đông vui bởi chị em phụ nữ tấp nập đến nhận nguyên liệu mang về làm tại nhà. Thời gian qua, cơ sở của chị không chỉ duy trì hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, mà quy mô ngày càng được mở rộng. Từ đó, tạo việc làm cho người lao động địa phương, nhất là phụ nữ, góp phần ổn định cuộc sống.

Cơ sở mây tre đan Bình Diễm của chị Bùi Thị Diễm ở xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn.

Chị Bùi Thị Diễm chia sẻ: "Trước đây, tôi được biết nhiều phụ nữ trong xã làm mây tre đan khá vất vả, phải di chuyển xa để lấy nguyên liệu về nhà làm. Không ít người do điều kiện, hoàn cảnh gia đình nên phải ở nhà, công việc bấp bênh, có nhu cầu tìm việc làm phù hợp để tăng thu nhập, giảm gánh nặng về kinh tế. Trước thực tế đó, tôi đã ấp ủ ý tưởng thành lập cơ sở mây tre đan tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.”

Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2020, chị Diễm thực hiện mô hình cơ sở mây tre đan. Thế nhưng ban đầu khi mới đi vào hoạt động, cơ sở gặp không ít khó khăn, thị trường tiêu thụ hạn chế, tay nghề, kỹ thuật của người lao động chưa cao nên một số sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Dưới sự đào tạo, hướng dẫn tận tình của chị Diễm, nhiều chị em nhanh chóng lành nghề. Có cơ sở mây tre đan Bình Diễm tại xã Thượng Cốc, người dân trong vùng không còn phải vất vả đi xa nhận nguyên liệu về làm. Với hình thức này, chị em sắp xếp thời gian hợp lý, vừa có thể chăm lo cho gia đình, vừa tranh thủ làm trong lúc nhàn rỗi. Công việc phù hợp với đa phần phụ nữ, nhất là những người không đủ sức khỏe, tuổi tác, thời gian, điều kiện đi làm tại các công ty. Công việc không bị bó buộc về thời gian, địa điểm, không yêu cầu cao về kinh nghiệm, không cần vốn. Bởi vậy, cơ sở của chị thu hút đông người lao động trên địa bàn xã và nhiều xã lân cận. Đến nay, cơ sở đang tạo việc làm cho hơn 170 lao động là phụ nữ, người trung và cao tuổi với mức thu nhập ổn định từ 2 – 5 triệu đồng/người/tháng tùy vào số lượng sản phẩm, thời điểm.

Mặt hàng được cơ sở sản xuất chủ yếu là vỏ ủ ấm tích với đa dạng mẫu mã và kích thước. Mô hình phát triển kinh tế của chị Diễm đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn, tận dụng thời gian nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, thắt chặt tình đoàn kết trong hội viên phụ nữ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ngoài cơ sở mây tre đan, chồng chị Diễm - anh Bùi Văn Bình cũng năng động trong phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng bưởi đỏ Tân Lạc. Hiện nay, mô hình có quy mô 1.500m2, nuôi 16 con lợn nái, 60 con lợn giống, trồng 27 gốc bưởi đỏ Tân Lạc. Với sự siêng năng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, gia đình anh Bình, chị Diễm từ hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá.

Theo đồng chí Bùi Văn Hoàng, công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH xã Thượng Cốc, mô hình cơ sở mây tre đan của chị Diễm không ngừng phát triển lớn mạnh, tạo việc làm ổn định cho phụ nữ địa phương, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của xã. Mô hình của gia đình anh Bùi Văn Bình và chị Bùi Thị Diễm là một trong các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong xã.

L.N

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/184324/tao-viec-lam-cho-phu-nu-luc-nhan-roi.htm