Tạo việc làm, giúp giảm tỷ lệ lao động nước ngoài bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp

Ngày 19/7,Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chủ trì phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Văn phòng đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD), tổ chức đào tạo nguồn nhân lực Quốc tế ( IM JAPAN), các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Hải Dương, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bình Dương và các đơn vị liên quan tổ chức 'Hội chợ việc làm dành cho lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước''

Đây là chương trình nhằm hỗ trợ lực lượng lao động theo 2 chương trình trên sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, động viên người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng, và tránh lãng phí một nguồn lao động có tay nghề, có tính kỷ luật…

Tới tham dự lễ khai mạc hội hợ có bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội; đại diện đến từ phía Nhật Bản và Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng hàng nghìn lao động tham gia tìm việc làm tại Hội chợ

Hội chợ việc làm còn kết nối online với doanh nghiệp, người lao động của các Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình và Bình Dương. Tham gia Hội chợ việc làm ngày 19/7 tại các Sàn giao dịch việc làm có 128 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 2.528 vị trí làm việc trống.

Lao động VIệt Nam trở về từ Hàn Quốc trả lời phỏng vấn tuyển dụng của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Báo động tình trạng lao động bỏ trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp gia tăng

Trao đổi với phóng viên về vấn đề lao động bỏ trốn khi đang làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là lao động làm việ ở Hàn Quốc và Nhật Bản theo 2 chương trình trên, bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: “Về các chương trình do Trung tâm Lao động ngoài nước đang thực hiện thì tỷ lệ lao động làm việc tại Nhật Bản theo chương trình IM chưa cao, ở mức trên dưới 3%. Nhưng đối với lao động theo chương trình EPS tại Hàn Quốc trong thời gian vừa qua chưa có dấu hiệu giảm và tiếp tục tăng”.

“Nguyên nhân của việc lao động nước ngoài tại Hàn Quốc tiếp tục gia tăng, qua các điều tra từ năm 2012 mà ILO Châu Á tài trợ và qua các khảo sát, buổi tuyên truyền cuối tuần của văn phòng EPS cũng như Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc có được thì nguyên nhân phần lớn vẫn là do ý thức của người lao động, cũng như mong muốn có công việc làm thêm để tăng thu nhập”, bà Lan thông tin.

Biện pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại nước ngoài

Thời gian qua, bên cạnh các chính sách hỗ trợ người lao động hồi hương của Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ lực lượng lao động trên, một trong những giải pháp đó là tổ chức các Hội chợ việc làm, Phiên giao dịch việc làm với mục đích tạo cơ hội cho người lao động đặc biệt là những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản về nước tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống sau khi về nước.

Theo bà Phạm Ngọc Lan, để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn ra ngoài, nhập cư bất hợp pháp, trước mắt cần tiếp tục thực hiện các công tác tuyên truyền vận động. Ở ngoài nước thì trực tiếp với những lao động làm việc tại các doanh nghiệp, ở trong nước thì tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương có số lượng lao động tham gia theo chương trình EPS nhiều, để phối hợp tuyên truyền đến thân nhân người lao động nhằm động viên người lao động tuân thủ hợp đồng, thực hiện đúng hợp đồng với bên phía Hàn Quốc. Ngoài ra các giải pháp khác như triển khai thực hiện ký quỹ, cũng như là tăng cường xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, Trung tâm sẽ nghiên cứu để báo cáo Bộ, Chính phủ để có giải pháp đồng bộ để nâng cao được hiệu quả trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Ki Hwan, Tùy viên lao động – Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng: “Mô hình Hội chợ việc làm này rất tốt cho người lao động đã và đang làm việc tại Hàn Quốc, qua đây người lao động có thể nhìn thấy được những cơ hội việc làm khi người lao động làm việc quay trở lại Việt Nam, sẽ thấy được sẽ làm gì cũng như việc làm như thế nào để thành công, có con đường khởi nghiệp cho riêng mình”.

Về phía đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam, ng Matsuzaki Satoshi –đại cho biết: “Với những thực tập sinh theo chương trình IM bỏ trốn là những người không có hoài bão, không có ước mơ vươn lên nên các em mới dễ dàng bỏ trốn như vậy. Để giải quyết được vấn đề này, điều quan trọng cần tạo cho các em có những ước mơ, hoài bão của riêng mình sau khi đi lao động về nước”.

Ông đánh giá cao việc tổ chức những Hội chợ việc làm như ngày hôm nay, đây là một những biện pháp quan trọng để cho lao động thấy được những cơ hội áp dụng những kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình khi đang làm việc tại Nhật Bản quay trở về nước, để có thể đóng góp công sức của mình trong việc xây dựng đất nước phát triển.Về phía Nhật Bản, khi phát hiện lao động bỏ trốn cũng có những biện pháp báo cáo đến các cơ quan chức năng cũng như tìm hiểu và động viên lao động mau chóng quay trở về nước đúng theo hợp đồng.

Quang Dương

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tao-viec-lam-giup-giam-ty-le-lao-dong-nuoc-ngoai-bo-tron-cu-tru-bat-hop-phap-d83529.html