Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân cao su

Lai Châu được xem là thủ phủ trồng cây cao su ở miền Bắc với hơn 14.000 ha. Hiện là thời điểm giá mủ cao su ở mức thấp nhưng với cách làm riêng của tỉnh và các công ty cao su đang cố gắng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.500 công nhân.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cho biết, với cách làm ở Lai Châu, đến nay giá mủ thấp cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân góp đất. Các tỉnh khác sử dụng chủ yếu đất nương canh tác của người dân trồng cao su thì ở Lai Châu hơn 70% là đất cộng đồng, trong đó chủ yếu là đất rừng nghèo kiệt và đất hoang hóa. Vì vậy, người dân trong vùng trồng cây cao su vẫn còn nguyên diện tích ruộng và nương để sản xuất, bảo đảm lương thực.

Vườn cao cao su đã “mở miệng” tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân.

Vườn cao cao su đã “mở miệng” tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân.

Đồng thời, các địa phương khác thống nhất phương án người dân góp đất với công ty cao su sẽ được chia 10% cổ tức sau hoạch toán. Như vậy, nếu lợi tức thu về sau trừ các khoản chi phí cao, người dân sẽ được chia cao. Với giá mủ thấp như thời điểm này thì hầu như không được chia. Còn ở Lai Châu người dân khi tham gia góp đất, ký kết hợp đồng với công ty cao su sẽ được hưởng 10% sản phẩm mủ. Vì vậy, khi vườn cây cao su “mở miệng”, dù giá cả thế nào, nhưng người dân góp đất trồng được hưởng 10% sản phẩm mủ nên luôn có giá trị thu về.

Cụ thể, năm 2018, với giá bán 28 triệu đồng/tấn, Công ty Cổ phần cao su Lai Châu đã có doanh thu 120 tỷ đồng, trong đó 50% là tiền chi trả cho nhân công. Công ty này cũng đã chi 120 tỷ đồng (tương ứng 10% sản lượng mủ) cho người dân góp đất trồng cao su. “Cây cao su ở Lai Châu phát triển thành công vì địa phương thay thế rừng sản xuất bằng rừng cao su và hiện nay chất lượng mủ, năng suất mủ được đánh giá rất tốt. Yếu tố lên xuống là bản chất cố hữu của nông sản nên cao su cũng phải chịu chung quy luật đó", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu khẳng định.

Năm 2018, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đưa vào khai thác mủ trên 4.000 ha, đồng nghĩa với việc một số hộ đã được chia phần trăm sản phẩm, số lượng công nhân là con em đồng bào các dân tộc địa phương sẽ được tuyển vào làm công nhân nhiều hơn. Ở thời điểm hiện tại Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu và Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II tiến hành khai thác mủ đã có trên 1.500 công nhân kỹ thuật, với mức lương ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Các công nhân này ngoài việc ngày khai thác mủ khoảng 4 tiếng vẫn có thể về nhà làm việc nhà, ruộng nương hay đánh bắt cá lòng hồ thủy điện để tăng thu nhập.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II đang quản lý vườn cây trên 4.700 ha. Năm 2018, đơn vị này đưa vào khai thác hơn 600 ha và dự kiến năm nay sẽ đưa vào khai thác thêm khoảng 700 ha, nâng tổng diện tích lên gần 1.300 ha. Vì vậy công ty sẽ tuyển dụng thêm hơn 200 công nhân người địa phương, đào tạo kỹ thuật khai thác mủ để làm công nhân lâu dài. Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II Nguyễn Xuân Phú cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, giá mủ trên thị trường giảm. Theo chủ trương của Tập đoàn, công ty phải tiết giảm các chi phí không cần thiết. Đặc biệt, công ty chú trọng không được tiết giảm chi phí nhân công, giữ mức lương bình thường cho công nhân. Hiện nay ngoài thu nhập tiền lương trong khai thác mủ, lương bình quân của công nhân đã đạt trên 4,5 triệu đồng. Công ty cũng có các chế độ đãi ngộ như chi phí ăn ca, cấp phát bảo hộ lao động, đảm bảo để thực hiện khai thác mủ.

Anh Lý A Si, một công nhân đến từ xã Tủa Sin Chải, huyện Sìn Hồ cho biết, gia đình anh có 5 nhân khẩu và cả hai vợ chồng đều làm công nhân cạo mủ cho Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II. Ngoài khoản thu nhập lương ổn định gần 10 triệu đồng hàng tháng của hai vợ chồng, năm nay gia đình anh sẽ có thêm nguồn thu nhập từ chia giá trị sản phẩm mủ từ việc góp hơn 4 ha đất. Vui nhất là từ khi chuyển cả gia đình về đây, các con anh đã được học tại lớp học của nông trường gần nơi ở do công ty cao su đầu tư xây dựng.

Mặc dù chưa đạt được mục tiêu ban đầu của dự án khi chọn cây “vàng trắng” phát triển ở vùng đất khó Lai Châu trong thời điểm giá mủ cao su trên thị trường thấp. Thế nhưng với sản lượng và chất lượng mủ được đánh giá không thua kém nhiều so với vùng Đông Nam Bộ, cùng với cách làm riêng của địa phương, tỉnh Lai Châu vẫn tin vào hiệu quả cây trồng mới này mang lại. Người dân góp đất tin rằng cây cao su sẽ làm thay đổi cuộc sống và diện mạo quê mình.

Tin, ảnh: Việt Hoàng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tao-viec-lam-va-thu-nhap-on-dinh-cho-cong-nhan-cao-su-20190529094250508.htm