Tập đoàn Geleximco và những lùm xùm về dự án đình đám

Tập đoàn tư nhân Geleximco gắn liền với tên tuổi của đại gia Vũ Văn Tiền, một doanh nhân khá kín tiếng với truyền thông.

Trong 3 ngày từ 24-26/8/2020, Tập đoàn Geleximco - CTCP đã phát hành tổn cộng 15 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 584 tỷ đồng. Trong đó, giá trị mỗi lô vào khoảng 30-47 tỷ đồng, thời hạn 2 năm.

Cũng theo thống kê trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay Geleximco đã phát hành tổng cộng 39 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.518 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở tháng 6, 7 và 8.

Động thái huy động mạnh diễn ra trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào đầu tháng 9 nhằm kìm hãm sức tăng trưởng quá nóng của trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng "tranh thủ" huy động vốn trước khi bị siết chặt.

Tập đoàn tư nhân Geleximco từ trước đến nay gắn liền với tên tuổi của ông Vũ Văn Tiền, một doanh nhân Sao đỏ khá kín tiếng với truyền thông.

Bức tranh tài chính của Geleximco ra sao?

Chủ tịch Tập đoàn là "đại gia" Vũ Văn Tiền – đồng thời cũng nắm giữ vị trí cao nhất tại nhiều công ty thành viên như Giấy An Hòa, Xi măng Thăng Long…

Với mảng tài chính, ông Tiền từng là Chủ tịch Chứng khoán An Bình, đáng chú ý năm 2018 ông Tiền bất ngờ rời ghế Chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBank) để lui về tập trung thực hiện những hoạt động kinh doanh khác.

Đại gia Vũ Văn Tiền

Theo trang Pháp luật & Cuộc sống, tại lĩnh vực bất động sản, các dự án Geleximco đầu tư phải kể đến khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza… nổi bật nhất là dự án Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn có quy mô 135ha chạy dọc 2 bên đường Lê Trọng Tấn tại Hoài Đức.

Năm 2019, Tập đoàn Geleximco đã thực hiện 2 đợt tăng vốn điều lệ để tăng quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng lên 9.600 tỷ đồng. Chi tiết các cổ đông mới sở hữu cổ phần không được công bố, trước đó Gelexim do anh em doanh nhân Vũ Văn Hậu và Vũ Văn Tiền sở hữu phần lớn cổ phần.

Việc tăng vốn đẩy quy mô tổng tài sản công ty mẹ Geleximco lên hơn 31.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Nếu hợp nhất thêm các công ty con, quy mô vốn và tổng tài sản của tập đoàn sẽ tăng đáng kể.

Trước đó vào năm 2018, khi chưa tăng vốn, Geleximco giới thiệu tổng tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn đã trên 52.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 14.500 tỷ đồng.

Số vốn tăng thêm được Geleximco sử dụng để rót thêm khoảng 2.000 tỷ đồng các công ty con, nâng quy mô các khoản đầu tư dài hạn của công ty mẹ lên trên 13.500 tỷ đồng. Ngoài ra các khoản phải thu cũng tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng trong năm 2019 lên mức 10.530 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Geleximco ghi nhận, công ty mẹ vay nợ gần 5.500 tỷ đồng bên cạnh các khoản phải trả ngắn hạn quy mô lớn (5.380 tỷ đồng). Dư nợ chịu lãi lớn khiến công ty mẹ phải trả gần 1.600 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2018.

Đến năm ngoái, chi phí lãi vay của Geleximco tại công ty mẹ giảm chỉ còn 411 tỷ đồng, giúp công ty ghi nhận lợi nhuận hơn 916 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.

Trong 2 năm gần đây, doanh thu của công ty mẹ Geleximco tăng mạnh (2018: 10.364 tỷ đồng, 2019: 9.268 tỷ đồng) nhờ đóng góp một phần của lĩnh vực bất động sản. Trước đó năm 2017, con số này chỉ là 3.368 tỷ đồng và công ty cũng ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn 90 tỷ đồng.

Xuất thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993, đến nay đã trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, bất động sản, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Geleximco ghi dấu với các dự án đầu tư lớn đã và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao như nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long hay Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy An Hòa.

Những lùm xùm tại dự án đình đám

Đáng nói, năm 2018, Dự án An Bình City do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco) làm chủ đầu tư hiện có hơn 2.732 căn hộ bị thiếu diện tích thực tế so với hợp đồng từ 1,5 – 4,5 m2 khiến cư dân búc xúc.

Theo trang Đời sống Việt Nam, nhiều khách hàng mua nhà dự án An Bình City đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi biết chủ đầu tư Geleximco trong quá trình thi công không kiểm tra giám sát đã dẫn đến thiếu hụt diện tích đáng kể đối với 2.732 căn hộ. Tuy nhiên, điều mà nhiều khách hàng càng bức xúc hơn nữa là Bản vẽ thiết kế ban đầu do Cục Hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng) phê duyệt với Bản vẽ thi công hoàn toàn khác nhau.

Toàn cảnh dự án An Bình City. Ảnh: Internet.

Theo đó, diện tích căn B5, B6 trong Bản vẽ được Cục Hoạt động Xây dựng thẩm định năm 2015 có diện tích 84,3 m2 (BV1); Bản vẽ thi công được chủ đầu tư sửa đổi phê duyệt năm 2016 có diện tích 85,10 m2 (BV2); Tại hợp đồng mua bán (HĐMB) với khách hàng có diện tích 86,50m2; Tại Thông báo 23/2017/ABCT chủ đầu tư đo lại có diện tích 82,76 (TB23).

Như vậy, chênh lệch giữa BV2 với HĐMB tùy theo diện tích từng căn từ 0,44 - 1,65m2. Theo chủ đầu tư lý giải, việc sai số là do sử dụng từ gạch nung sang gạch không nung nên diện tích bị thay đổi. Hơn nữa, việc co – dãn diện tích dưới 2% là thông số được phép trong xây dựng.

Theo chủ đầu tư, việc chênh lệch giữa HĐMB với TB23 từ 1,62 – 3,78m2, chủ đầu tư đã ra Thông báo số 25 nhằm giải quyết các vướng mắc bằng ký các phụ lục hợp đồng với khách hàng sẽ trả lại khoản tiền chênh lệch diện tích và lãi suất được bù vào đợt thanh toán cuối của hợp đồng.

Điều trớ trêu là khi khách hàng đo lại diện tích căn hộ theo TB23 đã công bố so với thực tế vẫn bị hụt đi từ 0,5 -1,2m2. Thêm nữa, chiều cao thông thủy khi thi công không tuân thủ bản vẽ thiết kế đã được cơ quan nhà nước thẩm định và không tuân thủ theo tiêu chuẩn TCVN 4451-2012 là 2,7m, trong khi thực tế thi công hiện nay chỉ có 2,55m.

Tại các cuộc họp, chủ đầu tư đã thừa nhận cách tính thông thủy sai theo Thông tư 03 của Bộ Xây dựng dẫn đến thiếu hụt diện tích các căn hộ.

Lý giải việc diện tích cuối cùng mà khách hàng đo hiện nay vẫn thiếu hụt so với TB23 mới nhất, phía chủ đầu tư cho rằng doanh nghiệp đã tính cả lô-gia đo mép ngoài, diện tích cột kỹ thuật tính bên trong, tính cả lớp trát vào diện tích thông thủy. Vấn đề chiều cao thông thủy chủ đầu tư vẫn nhất mực có áp dụng TCVN 4451-2012 nhưng không áp dụng quy định về chiều cao thông thủy theo tiêu chuẩn này.

Cư dân ở đây cho rằng, cách giải thích của chủ đầu tư tính các hạng mục như hộp kỹ thuật lô gia, lớp trát… vào diện tích thông thủy là không đúng với tinh thần của Thông tư 03.

Trong khi hàng chục lá đơn và kiến nghị của cư dân An Bình City về việc bàn giao thiếu diện tích, chất lượng công trình không đảm bảo,… vẫn chưa được giải quyết triệt để thì vào ngày 14/42018, tại lễ trao Giải thưởng quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018, Tập đoàn Geleximco vẫn "hiên ngang" nhận giải hạng mục "Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất".

Theo thể lệ chương trình, có 3 tiêu chí chung mà Ban tổ chức đưa ra là: Tuân thủ đúng quy định pháp luật có liên quan; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng pháp luật về đất đai, thuế; Đạt mức độ hài lòng đa số của người dân trong và lân cận dự án/công trình.

Ngoài ra còn có 5 tiêu chí riêng dành riêng cho hạng mục "Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất", gồm: Có các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 5 năm trở lại; Được khách hàng, đối tác đánh giá cao; Góp phần tạo ra xu thế, tác động tích cực lên thị trường; Các chỉ số tài chính đo mức độ thành công vượt trội; Có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng.

Trước thông tin trên, dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về tính khách quan của Ban tổ chức (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng Trung tâm tin tức VTV24 tổ chức, cũng như việc Tập đoàn Geleximco có thực sự xứng đáng với vinh dự được nhận?

Bảo Khánh (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/tap-doan-geleximco-va-nhung-lum-xum-ve-du-an-dinh-dam-304037.htm