Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Biến khoa học công nghệ thành động lực phát triển

Công tác khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong những năm qua. Có thể coi, đây là một động lực thúc đẩy năng lực sản xuất và kinh doanh tại các doanh nghiệp trong toàn tập đoàn.

Chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ

Trong thời gian qua, công tác khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã được chú trọng và phát huy vai trò tích cực góp phần vào sự phát triển của các đơn vị nói riêng và của toàn tập đoàn nói chung.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, các đơn vị trong tập đoàn đã triển khai trên 200 đề tài/dự án khoa học, công nghệ; trên 2.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh doanh và quản lý với tổng kinh phí trên 265,7 tỷ đồng, có thể mang lại giá trị làm lợi mỗi năm cho đơn vị ước tính hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, toàn tập đoàn đã có 5 bằng độc quyền sáng chế, trong đó có 1 bằng sáng chế nước ngoài (công trình của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam), 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đăng ký 02 bằng độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ, hiện đang trong giai đoạn thẩm định và nhiều công trình đã nhận được các giải thưởng cao quý ở trong nước và quốc tế về khoa học công nghệ.

Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí ước tính cho hoạt động khoa học công nghệ tại các đơn vị trong toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 265,7 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí từ kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, tập đoàn đã quan tâm tổ chức thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị thành viên trong việc vận dụng chính sách của Nhà nước về khoa học công nghệ.

Theo đó, tập đoàn đã khuyến khích thành lập, trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác khoa học công nghệ. Trong giai đoạn 2016-2020, Quỹ khoa học công nghệ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chi 35,9 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn liền với hoạt động sản xuất, có khả năng ứng dụng cao được các đơn vị thành viên của tập đoàn đề xuất và chủ trì thực hiện.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác khoa học công nghệ giai đoạn 2016-2020 và định hướng hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 11/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - khẳng định: Giai đoạn 2016-2020, công tác khoa học công nghệ của tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong việc ổn định sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, GS. Vũ Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam - cho biết: Thời gian qua, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã triển khai nghiên cứu cụm công trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc tuyển quặng apatit Lào Cai loại III và loại II. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng của cụm công trình này đã góp phần chủ động nguồn nguyên liệu trong lĩnh vực tuyển quặng; nghiên cứu cụm công trình “Chế phẩm và công nghệ ép viên quặng apatit cấp hạt nhỏ làm nguyên liệu sản xuất phospho vàng”. Hiện tại, công nghệ đang được hoàn thiện ở quy mô công nghiệp 10.000 tấn/năm.

“Việc nghiên cứu thành công các đề tài trên đã khẳng định được năng lực và trí tuệ của các cán bộ nghiên cứu của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, khẳng định hiệu quả đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, của các cơ quan quản lý khoa học công nghệ” - GS. Vũ Thị Thu Hà cho hay.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Công Thản - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bột giặt Lix (LIXCO) - chia sẻ: Trong thời gian qua, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để nhanh chóng làm chủ thiết bị tự động hóa và áp dụng kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, năng suất lao động để từ đó nâng cao sức cạnh tranh của công ty trên thị trường.

“Nhờ đó, LIXCO đã từng bước chinh phục và tạo được uy tín đối với khách hàng trong và ngoài nước thông qua chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm trên 10%” - ông Bùi Công Thản nói.

Chủ động đón bắt thời cơ mới

Tuy nhiên, theo các đại biểu tại hội nghị, bước sang giai đoạn phát triển mới với thách thức phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, cùng với đó là thách thức phải vượt qua những khó khăn nội tại của ngành hóa chất trong đó có những khó khăn của một số lĩnh vực sản xuất quan trọng/chủ lực của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, công tác khoa học công nghệ cần được tiếp tục quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa.

Đặc biệt, việc tiếp cận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ với sự tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và được dự báo sẽ có tác động, làm thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng đối với các ngành sản xuất, đồng thời giải quyết những tồn tại, khó khăn hiện nay của ngành hóa chất nói riêng góp phần khẳng định, giữ vững, tăng cường vị thế của một tập đoàn kinh tế của đất nước.

Trên thực tế, để đón bắt những cơ hội, đồng thời giải quyết những thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra, trong thời gian qua Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các nhiệm vụ/hoạt động theo kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Chẳng hạn như: Nhận diện, đánh giá các tác động, thách thức, cơ hội và đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0; tìm hiểu, nghiên cứu về cách mạng công nghiệp 4.0 vận dụng vào lĩnh vực/hoạt động đặc thù để nghiên cứu đề xuất lựa chọn sản phẩm và xây dựng thí điểm mô hình nhà máy thông minh để ưu tiên phát triển trong Cách mạng công nghiệp 4.0; tham gia các chương trình khảo sát, thảo luận, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm triển khai thực hiện; tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp 4.0…

Cùng với đó, một số doanh nghiệp trong tập đoàn đã chú trọng chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, tăng tốc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, từng bước tiếp cận, khai thác các công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn sản xuất và kinh doanh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt, thách thức từ những khó khăn nội tại của ngành hóa chất là rất lớn. Đơn cử, như việc vận dụng nguồn tài chính ưu tiên cho khoa học công nghệ; nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ còn khiêm tốn cả về số lượng và về năng lực; sự phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị, các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm chưa mang lại hiệu quả lớn…

“Việc chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác khoa học công nghệ là một yêu cầu cấp thiết đòi hỏi tập trung và tranh thủ mọi nguồn lực nhằm thực sự biến khoa học công nghệ thành động lực cho sự phát triển bền vững của tập đoàn” - Chủ tịch HĐTV Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Theo đó, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam yêu cầu, giai đoạn 2021-2025, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi/chia sẻ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Đồng thời, cần xây dựng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công tác khoa học, công nghệ, đảm bảo tính kế thừa cho phép luôn duy trì/phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ vừa có nhiệt huyết, vừa có năng lực sáng tạo và trình độ chuyên môn cao.

Trong thời gian qua, các đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, chủ động thực hiện nhiều đề tài/dự án nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong đó, có những ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa trong sản xuất, có những công trình nghiên cứu đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần mang lại giá trị làm lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-doan-hoa-chat-viet-nam-bien-khoa-hoc-cong-nghe-thanh-dong-luc-phat-trien-149137.html