Tập đoàn Mỹ đề xuất công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long

Doanh nghiệp Mỹ đề xuất sử dụng lớp phủ phòng nước phổ biến tại Mỹ với tuổi thọ trên 50 năm để sửa chữa hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long.

Văn phòng Bộ GTVT vừa trình lên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bức thư của Tập đoàn Versaflex (Mỹ) với nội dung đề xuất sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) bằng hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng cao.

Trong thư, ông David Lite, Tổng Giám đốc Tập đoàn Versaflex, cho biết doanh nghiệp có 100% vốn chủ sở hữu của người Mỹ, trụ sở đặt tại thành phố Kansas, bang Kansas, có gần 20 năm thi công đường cao tốc và đường sắt.

Với hư hỏng mặt cầu Thăng Long, đại diện doanh nghiệp đề xuất phương án sửa chữa bằng lớp phủ phòng nước được sử dụng phổ biến tại Mỹ để duy tu, bảo vệ lâu dài các công trình cầu bản mặt thép.

Sau hơn 30 năm đưa vào khai thác, qua nhiều lần sửa chữa, hiện nay độ dính bám của lớp bê tông nhựa với bản mặt thép của cầu Thăng Long đã suy giảm nhiều, mặt cầu xuất hiện tình trạng trượt xô, lồi lõm. Ảnh: Báo Giao thông

Sau hơn 30 năm đưa vào khai thác, qua nhiều lần sửa chữa, hiện nay độ dính bám của lớp bê tông nhựa với bản mặt thép của cầu Thăng Long đã suy giảm nhiều, mặt cầu xuất hiện tình trạng trượt xô, lồi lõm. Ảnh: Báo Giao thông

"Lớp phủ phòng nước BDM sẽ bảo vệ các kết cấu bản mặt cầu (bê tông, thép), tăng cường dính bám với lớp bê tông nhựa phía trên, có thể thi công trên các bề mặt không đồng nhất… Tuổi thọ dự kiến của lớp phủ từ 50 năm trở lên", đại diện Tập đoàn Versaflex chia sẻ và cho biết các phương tiện giao thông vẫn có thể lưu thông trong quá trình sửa chữa.

Hiện Bộ trưởng GTVT chưa phản hồi đề xuất của doanh nghiệp này.

Năm 2009, cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lóp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bêtông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Để giải quyết hư hỏng trên, năm 2013, Bộ GTVT đã thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bê tông nhựa polyme. Nhưng chỉ sau một thời gian, có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông nhưng chỉ đươc một thời gian gắn lại bị hư hỏng.

Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây (Công ty SK MOST), gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Nhưng đến nay SK MOST chưa có văn bản trả lời chính thức về thực hiện sửa chữa cầu Thăng Long và Tổng cục Đường bộ thống nhất với đề xuất của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga về việc loại dự án này khỏi danh sách ưu tiên.

Tháng 7/2019, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về sửa chữa mặt đường ôtô trên cầu Thăng Long, với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng và đề xuất lấy nguồn tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Đầu tháng 8/2019, thị sát và kiểm tra mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long hiện nay là rất cấp thiết.

Ông yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan trong năm 2019 phải cơ bản hoàn thành các thủ tục để đầu năm 2020 tiến hành thi công sửa chữa.

Đợt sửa chữa lần này phải làm triệt để, chất lượng phải đảm bảo. Trong hồ sơ mời thầu ghi rõ các điều khoản ràng buộc đối với nhà thầu như chất lượng công trình phải đảm bảo tối thiểu 10 năm, nhà thầu phải chịu trách nhiệm duy tu, công tác sửa chữa phải hoàn thành trong năm 2020.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tap-doan-my-de-xuat-cong-nghe-sua-mat-cau-thang-long-3393339/