Tập đoàn Mỹ liên thủ chế tên lửa động cơ scramjet

Công ty Raytheon và Tập đoàn Northrop Grumman của Mỹ đã đạt được thỏa thuận cùng phát triển dòng tên lửa siêu thanh chạy bằng động cơ scramjet.

Theo thỏa thuận, giai đoạn đầu, hai nhà sản xuất sẽ kết hợp cùng phát triển và thống nhất phương án và đi đến sản xuất nguyên mẫu thử nghiệm trên mặt đất. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, giai đoạn tiếp theo sẽ được tiến hành.

Dù hầu hết mọi thông tin về dòng tên lửa mới này không được công bố nhưng nguồn tin từ nhà sản xuất cho biết, tên lửa mới với động cơ scramjet sẽ có tốc độ tối đa đạt Mach 10 (12.200 km/h).

Oanh tạc cơ B-52H thử nghiệm với tên lửa siêu thanh.

Oanh tạc cơ B-52H thử nghiệm với tên lửa siêu thanh.

Cùng với tốc độ siêu nhanh, tên lửa mới sẽ được thiết kế để bay ở tầm thấp nên có khả năng tránh được việc bị phát hiện bởi radar cảnh giới của đối phương. Nguyên lí làm việc của động cơ scramjet là bơm không khí vào động cơ trước khi luồng khí này được làm nóng lên bởi nhiên liệu cháy.

Khí nóng này được đẩy ra sau khu vực ống xả của động cơ và tạo ra lực đẩy. Do không khí được bơm vào động cơ ở tốc độ siêu âm nên nó cũng có vận tốc siêu âm khi được truyền xuống ống xả, từ đó tạo ra được lực đẩy vô cùng lớn.

Nhờ được trang bị động cơ scramjet tên lửa mới sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về vũ khí. Với việc tránh được tín hiệu radar và bay với tốc độ siêu thanh, các tên lửa chiến tuật mới của Mỹ có nhiều cơ hội để vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay.

Nó được cho là vô cùng thích hợp để tấn công các mục tiêu nhỏ nhưng có giá trị cao của đối phương. Nhưng để duy trì tốc độ cao trong hành trình bay, động cơ scramjet cần rất nhiều nhiên liệu, do đó, tên lửa này có thể có kích thước khá lớn hoặc phải sử dụng loại nhiên liệu đặc biệt để có được tầm bắn xa với tốc độ siêu thanh.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nhiều khả năng Raytheon và Northrop Grumman sẽ phát triển tên lửa mới dựa trên những công nghệ đã đạt được trong việc phát triển tên lửa siêu thanh X-51A nhưng có cải tiến. Mặc dù vậy, cả hai nhà sản xuất này không tiết lộ thừi điểm hoàn thành dự án.

Điều khá đặc biệt là trong khi các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang bắt tay vào phát triển tên lửa siêu thanh với động cơ scramjet thì ngay từ năm 1991, Nga là nước đầu tiên làm cho động cơ scramjet có thể khai hỏa với vận tốc siêu thanh trong không gian (không phải trên giấy).

Ngày 17/11/1992, cuộc thí nghiệm đã diễn ra gần Priozersk, tại Kazakhstan. Vào 17 giây trước khi đạt đến độ cao gần 30 km, động cơ scramjet khai hỏa ở vận tốc March 3.5 khi đốt khí ở vận tốc dưới vận tốc âm thanh trong khoảng từ 6-7 giây.

Sau đó động cơ này chuyển sang đốt khí ở vận tốc siêu thanh và chạy trong vòng 15 giây. Một năm trước đó Nga cũng đã thí nghiệm thành công làm động cơ scramjet khởi động và chạy trong vòng 5 giây. Nga đã bắt đầu chương trình nghiên cứu scramjet từ năm 1968. Cho đến 1992, Nga đã thực hiện hơn 100 vụ thí nghiệm với phần lớn số lần đều thành công.

Trước đây, Nhật cũng đã phóng thử máy bay scramjet và thành công trong việc làm cho động cơ khai hỏa trên không trung nhưng máy bay đã bị gãy mũi trong khi bay vì vận tốc quá cao. Nhật hiện đang cộng tác với Úc trong công cuộc nghiên cứu động cơ scramjet. Trung Quốc cũng đang thí nghiệm loại động cơ này.

Hồi năm 2007, ba năm sau khi chương trình X-51A của Mỹ ra đời, Trung Quốc tuyên bố sẽ thí nghiệm loại động cơ scramjet với vận tốc March 5.6 trong đường hầm gió tại phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh. Đến đầu năm 2012, Trung Quốc khẳng định rằng sẽ xây dựng đường hầm gió để thí nghiệm với vận tốc Mach 9.

Clip B-52H lần đầu cất cánh thử tên lửa siêu thanh AGM-183A

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tap-doan-my-lien-thu-che-ten-lua-dong-co-scramjet-3382207/