Tập đoàn tài chính Nhật ngừng cấp tài chính cho dự án điện than mới

SMFG cho biết việc ngừng cấp tài chính cho dự án điện than mới nhằm hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon đang được thúc đẩy trên toàn cầu kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết.

SMFG cho biết hành động nhằm hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon đang được thúc đẩy trên toàn cầu. (Nguồn: Reuters)

SMFG cho biết hành động nhằm hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon đang được thúc đẩy trên toàn cầu. (Nguồn: Reuters)

Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group Inc (SMFG) của Nhật Bản ngày 16/4 cho biết, từ ngày 1/5 tới tập đoàn này sẽ không hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện than mới, một ngày sau khi tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group Inc đưa ra tuyên bố tương tự.

Sự thay đổi chính sách này diễn ra trong bối cảnh các tổ chức môi trường và các nhà hoạt động kêu gọi hỗ trợ để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong một thông báo, SMFG cho biết hành động nhằm hướng đến việc giảm lượng khí thải carbon đang được thúc đẩy trên toàn cầu kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết. Theo đó, SMFG sẽ không cung cấp tài chính cho các nhà máy điện than mới.

Các ngân hàng Nhật Bản nằm trong số ít những nhà cho vay lớn vẫn duy trì sự hỗ trợ đối với các dự án điện vận hành bằng than đá, trong khi các ngân hàng khác trên thế giới đã ngừng cấp tài chính cho các dự án liên quan đến than đá.

Theo dữ liệu của Refinitiv SDC Platinum, ba ngân hàng lớn của Nhật Bản là SMFG, Mizuho và tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) nằm trong số năm ngân hàng hàng đầu thế giới cung cấp hỗ trợ cho các dự án điện than và khai thác than trong năm năm qua.

Mizuho ngày 15/4 cho hay sẽ giảm 50% khoản vay trị giá 300 tỷ yen (2,8 tỷ USD) dành cho các dự án điện than vào năm 2030 và giảm xuống mức 0% vào năm 2050. Còn MUFG cho biết vào năm 2019, ngân hàng này sẽ không tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới.

Toshiba đóng cửa tất cả văn phòng và nhà máy tại Nhật Bản

Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản có kế hoạch tạm ngừng hoạt động của tất cả các văn phòng và nhà máy ở Nhật Bản để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Toshiba sẽ thực hiện biện pháp trên từ ngày 20/4 đến 6/5, trong đó có bảy ngày nghỉ lễ theo quy định. Tất cả 76.000 cán bộ, nhân viên của Toshiba sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch tạm ngừng này.

(Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, đài truyền hình NHK dẫn lời các quan chức của Toshiba cho biết tập đoàn này sẽ tiến hành công tác bảo dưỡng hạ tầng như nguồn điện và thang máy nếu cần.

Trước đó, Toshiba đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà ngoại trừ công nhân tại các nhà máy. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng họ cần phải có các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng với Toshiba, tập đoàn hàng không ANA Holdings dự kiến sẽ tăng số nhân viên tạm nghỉ việc lên 16.000 người, chiếm khoảng 1/3 số lao động của tập đoàn. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ANA Holdings đã tạm ngừng khai thác khoảng 90% chuyến bay quốc tế và 50% chuyến bay nội địa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước đó, ANA Holdings đã cho khoảng 6.400 tiếp viên hàng không nghỉ một vài ngày trong tháng kể từ ngày 1/4. Theo dự kiến, biện pháp mới sẽ được áp dụng cho các nhân viên ở các bộ phận kế toán và nhân sự, cũng như nhân viên làm thủ tục tại quầy check-in và công nhân bốc dỡ hành lý tại các công ty trực thuộc./.

Minh Hằng-Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tap-doan-tai-chinh-nhat-ngung-cap-tai-chinh-cho-du-an-dien-than-moi/635011.vnp