Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc muốn tham gia dự án cao tốc Bắc Nam

Ngày 7/3, ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, theo đó bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam tại Việt Nam theo hai hình thức: EPC và BTO.

 Cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh minh họa

Cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh minh họa

Ông Nghiêm Giới Hòa cho biết, BTO là mô hình được đánh giá cao và được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc và có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công - tư PPP. Mô hình đầu tư PPP lý tưởng là doanh nghiệp tư nhân đầu tư toàn bộ, sau này chính quyền sẽ mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án.

Ông Nghiêm Giới Hòa cũng bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức PPP, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, chủ trương đầu tư các đoạn tuyến dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu. Do đó, đề xuất hình thức đầu tư của Tập đoàn, Thứ trưởng cho rằng cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm.

"Chúng tôi rất mong Tập đoàn Thái Bình Dương với năng lực và kinh nghiệm của mình sẽ tham gia đấu thầu một số dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án dùng vốn ngân sách và 8 dự án theo hình thức BOT.

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cuối tháng 1 Bộ Giao thông Vận tải phát hành hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và đóng thầu vào khoảng cuối tháng 3.

Sau khi qua các bước duyệt sơ tuyển, ban quản lý dự án sẽ tổ chức công khai kết quả sơ tuyến vào đầu tháng 6. Ban quản lý dự án sẽ công khai hồ sơ mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 20/10/2019, đóng thầu vào ngày 20/2/2020.

Thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng dự án dự kiến vào ngày 20/4/2020. Đây cũng là thời gian sớm nhất có thể khởi công các dự án PPP và đích hoàn thành là cuối năm 2021.

Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang tham gia đầu tư, xây dựng nhiều dự án cao tốc và hạ tầng giao thông nói chung trên toàn thế giới, tuy nhiên cũng thường đưa lại các hệ lụy cho các nước sở tại.

Mới đây, ngày 31/1, Nhật báo Khaosod dẫn nguồn tin Chính phủ Thái Lan cho biết các khoản vốn vay từ nước ngoài cho dự án đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc sẽ được giảm xuống mức tối thiểu.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan tuyên bố Bộ này sẽ cố gắng cấp vốn cho 80% dự án từ các nguồn nội địa nhằm làm dịu chỉ trích từ công chúng và chuyên gia kinh tế rằng khoản đầu tư khổng lồ của dự án có thể sẽ đẩy nước này vào tình thế "nô lệ" nợ nần của Bắc Kinh.

Tuyên bố trên có đoạn: “Bộ Tài chính sẽ tìm kiếm những nguồn vốn vay phù hợp với điều kiện vay tốt nhất so với các nguồn vốn ở trong nước. Chẳng hạn như lãi suất thấp, hợp đồng dài hạn và không có những điều kiện ràng buộc có thể đặt Thái Lan vào tình thế bất lợi”.

Các khoản vay có thể sẽ được sử dụng để xây dựng đoạn đường sắt cao tốc nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima ở khu vực Đông Bắc. Dự án này được ước tính sẽ trị giá khoảng 179 tỷ baht (5,7 tỷ USD). Các khoản vay dự kiến sẽ có thể đáp ứng tới 166 tỷ baht trong tổng số vốn đầu tư của dự án.

Tại Việt Nam, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng gây tai tiếng trong nhiều năm qua vì tình trạng chậm tiến độ và đội vốn.

An Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tap-doan-thai-binh-duong-cua-trung-quoc-muon-tham-gia-du-an-cao-toc-bac-nam-20180504224220583.htm