Tập huấn canh các chè theo VietGAP cho người dân xã Nậm Chảy

Ngày 30/11, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức Tập huấn triển khai Mô hình thâm canh cây chè Shan theo VietGAP tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương.

Hoạt động được tổ chức nhằm trình diễn và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc cây chè Shan để tăng giá trị thu nhập cho nông dân; là cơ sở nhân rộng phát triển sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững ngành chè trên địa bàn tỉnh.

 Hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho cây chè.

Hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho cây chè.

Tham gia lớp tập huấn có 30 nông dân thuộc 13 hộ trực tiếp tham gia Mô hình thâm canh chè Shan theo VietGAP và các nông dân trong vùng trồng chè xã Nậm Chảy.

Qua buổi tập huấn, các kỹ sư Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn người dân xã Nậm Chảy: kỹ thuật bón phân cho chè và những vấn đề cơ bản trong sản xuất chè VietGAP; kỹ thuật thu hoạch, vận chuyển chè; phương pháp ghi chép nhật ký đồng ruộng và hạch toán kinh tế chè nông hộ; kỹ thuật nhận biết và quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè và kỹ thuật đốn tỉa, tạo tán chè… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong canh tác chè theo VietGAP trên địa bàn xã Nậm Chảy.

 Nông dân tập trung theo dõi kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật đốn, tạo tán để nâng cao năng suất chè.

Nông dân tập trung theo dõi kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật đốn, tạo tán để nâng cao năng suất chè.

Ngoài hoạt động tập huấn, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh còn hỗ trợ 13 hộ 5,8 tấn phân đạm Urê; 7 tấn phân lân; 3 tấn phân kali; 30 tấn phân hữu cơ, vi sinh và 100% thuốc bảo vệ thực vật sinh học để 13 hộ trên địa bàn xã Nậm Chảy triển khai Mô hình thâm canh chè Shan theo VietGAP với tổng diện tích khoảng 10ha.

Mô hình thâm canh chè Shan theo VietGAP được kỳ vọng sẽ giúp các hộ tham gia tăng 15 - 20% thu nhập so với sản xuất chè đại trà. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong việc thâm canh cây chè để tăng giá thành sản phẩm, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa giúp người dân xây dựng thương hiệu chè Shan Mường Khương; tạo nguồn thực phẩm an toàn chất lượng cao cho cộng đồng, tạo nền tảng chuyển đổi giống cây trồng và chuyển giao kỹ thuật canh tác mới đến nông dân, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; giúp loại bỏ đáng kể lượng thuốc trừ sâu và hóa chất, tăng độ phì cho đất bằng cách bón phân hữu cơ sử dụng thuốc sâu thảo mộc không gây ảnh hưởng môi trường… Đây cũng là cơ sở để địa phương nhân rộng mô hình canh tác chè theo VietGAP trong những năm tiếp theo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tap-huan-canh-cac-che-theo-vietgap-cho-nguoi-dan-xa-nam-chay-post376628.html