Tập huấn cho cán bộ hỗ trợ trẻ em tự kỷ

Trong năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu cho 100 giáo viên, kỹ thuật viên. Đây là những cán bộ đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở 33 địa phương.

Khai giảng lớp tập huấn (Ảnh: NFVC).

Khai giảng lớp tập huấn (Ảnh: NFVC).

Ngày 17/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo trợ em Việt Nam tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu “Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam”.

Dự chương trình có 45 học viên là các thầy cô giáo, kỹ thuật viên can thiệp tại 30 trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 13 tỉnh, thành phố phía nam.

Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, TS Hoàng Văn Tiến, chia sẻ thông tin tại buổi tập huấn (Ảnh: NFVC).

Tại chương trình, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến chia sẻ tóm tắt về kết quả 3 năm thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. Đây là chương trình hợp tác giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, Công ty PNJ tài trợ dự án thực hiện trong 5 năm, từ 2019 đến 2023. Khóa tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam là một hoạt động trong khuôn khổ dự án này.

Sau thành công của khóa tập huấn năm 2019, trong năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đối tượng chính là 100 giáo viên, kỹ thuật viên đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 33 tỉnh, thành phố. Qua đó, giúp họ có đủ năng lực làm kỹ thuật viên nguồn nhằm tuyên truyền lại kiến thức cho kỹ thuật viên khác tại trung tâm.

Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn chính là những chuyên gia trực tiếp biên soạn bộ tài liệu Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

“Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời và rất khó chữa khỏi, được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có hành vi, sở thích cũng như những hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.”

(Tổ chức Y tế thế giới)

Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung chính. Đó là: Hướng dẫn cho cán bộ nòng cốt về nghiên cứu và đánh giá rối loạn phổ tự kỷ; Quản lý hành vi và hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỷ; Kỹ năng xã hội (giao tiếp, kết bạn và ứng xử); Phương pháp can thiệp dựa trên ABT - Can thiệp chơi đùa.

Mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản.

Trước hết, biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Tiếp đó, đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ.

Cùng với đó, phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng.

Đồng thời, hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam.

Cuối cùng, thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ, Nếu tính theo cách tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số này chừng 500 nghìn người. Và thực tế, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tap-huan-cho-can-bo-ho-tro-tre-em-tu-ky-post710873.html