Tập huấn kỹ thuật canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số

Từ ngày 19 - 28.7, 371 học viên là người dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu đã tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác một số loại cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đệm tại khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), do Tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Helvetas…

Cầm tay chỉ việc, tạo dựng sinh kế bền vững

Cầm tay chỉ việc, tạo dựng sinh kế bền vững

Tại khóa tập huấn, các chuyên gia đã cung cấp cho học viên kiến thức liên quan đến kỹ thuật khai thác măng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tại xã Thượng Trạch (Quảng Bình) và Hướng Hóa (Quảng Trị); kỹ thuật làm vườn ươm thảo dược tại chỗ, xã Cự Nẫm (Quảng Bình), Đakrông (Quảng Trị) và A Roàng (Thừa Thiên Huế); Kỹ thuật chung về mô hình nấm tại các xã Tà Lài, Núi Tượng, Đăk Lua, Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Đây là một trong những can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả các chuỗi giá trị nông nghiệp và lâm sản ngoài gỗ, hướng tới nâng cao thu nhập cho người dân vùng đệm.

Học viên Hồ Thị Thon, dân tộc Tà Ôi cho hay, khi tham gia vào Dự án và được tập huấn, hướng dẫn các phương pháp và kỹ năng nhân giống thảo dược, chúng tôi đã cảm thấy tự tin hơn nhiều. Giờ chúng tôi có thể tự sản xuất được cây giống tại chỗ để cung cấp cho người dân giảm chi phí sản xuất, có thêm việc làm, có thêm thu nhập”

Được biết, dự án hướng tới mục tiêu, đến năm 2026 có 40 cộng đồng được liên kết sản xuất, 9 cộng đồng được gắn kết du lịch sinh thái và gần 8.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng được cải thiện sinh kế, giảm thiểu áp lực lên nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/tap-huan-ky-thuat-canh-tac-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-i296762/