Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn

Ngày 9-7, Công đoàn Viên chức TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn Điều lệ công đoàn Việt Nam và hướng dẫn thi hành; những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật SĐ-BS một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cho Ủy viên BCH, Ủy ban kiểm tra Công đoàn Viên chức TP, Ủy viên BCH các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức TP, Ủy viên BCH đoàn cơ sở Thành viên thuộc Công đoàn cơ sở.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giới thiệu những điểm mới của Điều lệ công đoàn Việt Nam và hướng dẫn thi hành; những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật SĐ-BS một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cụ thể, ông Hiểu cho biết, lần đầu tiên cho phép, người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam và người Việt Nam đi làm tại nước ngoài tham gia các hình thức tập hợp của Công đoàn Việt Nam.

Về Đại hội công đoàn các cấp (Điều 8): Đối với công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận và tổ công đoàn: Nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở theo nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý, chỉ đạo.

Đối với công đoàn cơ sở mới thành lập, thời gian kết thúc nhiệm kỳ theo thời gian của của công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp khi công đoàn cơ sở được thành lập mà thời gian kết thúc nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp còn dưới 18 tháng thì nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở thực hiện theo nhiệm kỳ kế tiếp của công đoàn cấp trên trực tiếp.

Ví dụ: nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp là 2018 - 2023, nếu công đoàn cơ sở thành lập năm 2019, nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở sẽ là 2019- 2023; tương tự, nếu thành lập năm 2020, nhiệm kỳ sẽ là 2020 - 2023; nếu thành lập cuối năm 2022 nhiệm kỳ sẽ là 2022 - 2028.

Công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có) tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở; tổ công đoàn (nếu có) tổ chức hội nghị toàn thể đoàn viên để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đại hội của công đoàn cơ sở và bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Trường hợp khuyết tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo tổ công đoàn tổ chức hội nghị toàn thể để bầu bổ sung.

Các đại biểu tham dự buổi tập huấn.

Các đại biểu tham dự buổi tập huấn.

Công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp dưới trong các trường hợp sau: Công đoàn cấp trên kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ đại hội để phù hợp tiến độ đại hội công đoàn các cấp theo kế hoạch đại hội Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn cấp trên mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, sắp đến kỳ đại hội lần thứ nhất mà công đoàn cấp dưới đã đủ nhiệm kỳ đại hội 5 năm.

Công đoàn cấp dưới mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội lần thứ nhất chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

Công đoàn cấp dưới tổ chức đại hội sau thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

Về Luật SĐ-BS một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, phạm vi điều chỉnh, Luật SĐ-BS 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức, bố cục gồm 3 Điều: Điều 1 SĐ-BS một số điều của Luật cán bộ, công chức; Điều 2 SĐ-BS một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 về hiệu lực thi hành.Theo đó, đối tượng là công chức và áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác.

Không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (sửa khoản 2 Điều 4, bỏ điểm c khoản 1 Điều 32); giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước (khoản 3 Điều 84); đồng thời quy định chuyển tiếp đối với công chức trong các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ (Điều 85).

Không quy định áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước; giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ quản lý, sử dụng đối với đối tượng này trong doanh nghiệp nhà nước (khoản 4 Điều 84).

Bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước 1-7-2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật (khoản 5 Điều 84).

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức (Điều 2) với 4 nội dung như sau:

Về đánh giá viên chức, thời hiệu - thời hạn xử lý kỷ luật viên chức; xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (SĐ -BS các Điều 41, 53, 60 tương tự như nội dung SĐ trong Luật Cán bộ, công chức).

Giao Chính phủ quy định chi tiết về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp (trừ lĩnh vực y tế và giáo dục) và chế độ quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả (Điều 9).

Về ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức: Sửa đổi quy định về áp dụng ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 đến 60 tháng đối với Viên chức được tuyển dụng mới sau 1-7-2020. Đồng thời quy định rõ 3 trường hợp:

Đã tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; viên chức được tuyển dụng sau ngày 1-7-2020 nhưng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn áp dụng chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (Điều 25).

Bổ sung quy định trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản (Điều 28).

Về khắc phục một số bất cập trong thực tiễn: Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nếu viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (Điều 29).

Sửa đổi quy định về hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc để khắc phục tình trạng lợi dụng hưởng các chế độ này khi chuyển công tác hoặc trước khi nghỉ hưu (khoản 1 Điều 45).

Ngoài các nội dung trên, còn thay thế (khoản 12) và bỏ (khoản 13) một số cụm từ trong các điều khoản của Luật cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của văn bản pháp luật.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tap-huan-nghiep-vu-cho-can-bo-cong-doan-200892.html